Đồng Tháp chủ động ứng phó trước biến động của triều cường

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019 vừa qua, triều cường, nước lũ lên nhanh đã gây ngập nhiều nơi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các huyện phía nam tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp.

Trước tình hình thủy văn diễn biến khó lường trong các chu kỳ triều cường tiếp theo, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, triều cường, sẵn sàng phương án bảo vệ hoa màu, vườn cây ăn trái.

Chú thích ảnh
Thuỷ triều dâng cao, các tuyến đường tại Chợ Cái Tàu Hạ, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp bị ngập sâu.

Trồng gần 4.000 m2 chanh và xoài, bà Nguyễn Thị Phụng, 63 tuổi, ở ấp 4, xã Mỹ Long cho hay, trong đợt triều cường 30/9, nước có đêm tràn bờ bao chảy cuồn cuộn vào vườn, những người làm vườn như bà “đứng ngồi không yên” sợ cây ăn trái, nhất là chanh, chết rũ vì ngập nước. Hiện tại, để bảo vệ vườn nhà trong con nước rằm chỉ còn cách vài ngày, bà đã cho đặt các mô-tơ điện bơm rút nước ra 24/24 giờ để kịp thời thoát nước cho diện tích vườn nhà.

Ông Thái Phạm Tuấn Khanh – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long cho biết, toàn xã hiện có 30 ô đê bao, trong đó 16 ô đê bao bảo vệ khoảng 560 ha vườn. Đến thời điểm hiện tại, người dân đã thu hoạch ăn chắc vụ lúa Thu – Đông và đã tiến hành xả lũ theo kế hoạch.

Ông Khanh cũng cho biết, một số đê bao đưa vào sử dụng từ năm 2001 – 2002 đang có cao độ thấp, nên trong đợt triều cường vừa qua, có xảy ra việc tràn cục bộ ở một vài nơi, trong đó có tuyến đê bao Bình Hàng Tây giáp Mỹ Long và ô bao số 8. Trước mắt, địa phương đã thông tin rộng rãi để nâng cao ý thức của người dân cùng nhau ngăn lũ, đóng, be đắp các cống cá nhân và chuẩn bị các máy móc, phương tiện để kịp thời ứng phó nếu có mưa lớn, hoặc mực nước cao đột biến. Đồng thời, chính quyền xã đã phân công lực lượng, sử dụng bao tải cát, lưới chì và ni-lông để chống tràn ở các khu vực thấp, đảm bảo các vườn cây ăn trái không bị nước tấn công trong con nước rằm (30 tháng 9 âm lịch) sắp tới.

Tại thành phố Sa Đéc, nơi có diện tích hoa lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bà con trồng hoa đã kê kích các giàn hoa để tránh tình trạng “trở tay không kịp” khi triều cường dâng cao trong cuối tháng 9, đã ảnh hưởng đến một số diện tích hoa, kiểng nông dân trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Tài ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông cho biết, con nước vừa qua đe dọa các diện tích trồng hoa ngoài đê bao và bờ kè sông Tiền như ở xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông, phường 3. Đa phần các loại hoa, kiểng bị ngập nước là những loại trồng dưới đất hoặc để trên giàn quá thấp. Các loại bị ảnh hưởng nhiều nhất là cỏ nhung Nhật, cỏ lá gừng, cây công trình, cúc, hoa hồng...

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Chính canh tác hơn 7000 m2 lúa thu đông tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, nhưng gần một nữa diện tích bị ảnh hưởng do nước tràn bờ đê.

Anh Trương Văn Út, chủ cơ sở kinh doanh kiểng Út Lan Ý thuộc khóm 2, phường 3 cho biết, bắt đầu từ 29/8 âm lịch, nước dâng lên rất nhanh, có ngày khoảng 20 – 30 cm. Mấy ngày qua, nước đã xuống và không còn uy hiếp các diện tích sản xuất hoa, kiểng, song điều người dân lo lắng là những ngày gần đây mưa nhiều, lượng mưa lớn và xuất hiện trên diện rộng nên nguy cơ triều cường sắp tới khá cao. Do đó, người dân đã dùng các nâng cao giàn hoa hoặc di chuyển hoa, kiểng lên các vị trí cao hơn để hạn chế ảnh hưởng.

Theo các nhà chuyên môn, lũ 2019 về muộn hơn trung bình hàng năm và muộn hơn năm 2018 khoảng hơn một tháng. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn của tỉnh đã xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 ở mức báo động cấp I đến cấp II. Trong khi đó, đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Tháp Mười cũng đang dao động ở mức đỉnh năm và ở mức thấp hơn hàng năm khoảng 20 m, ở mức báo động cấp I đến cấp II.

Còn tại các huyện phía nam của tỉnh như Châu Thành, Sa Đéc, lấp Vò, Lai Vung, Cao lãnh, vào sáng ngày 30/9/2019 mực nước tại các đã đạt đỉnh triều cường cao nhất năm, đỉnh triều cường vừa qua ở mức cao hơn năm 2018 khoảng từ 2 đến 5 cm, thấp hơn năm 2011 khoảng 10 cm và thấp hơn năm 2000 khoảng 15 cm.

Hiện mực nước khu vực đầu nguồn đã rút xuống khá nhiều, do đó trong khoảng 5 – 7 ngày tới mực nước khu vực phía nam của tỉnh sẽ lên dần theo triều và đạt đỉnh triều cường vào ngày 16/9 âm lịch. Tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn đỉnh triều cường cao nhất năm vào ngày 30/9 khoảng từ 10 đến 20 cm.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cũng lưu ý, hai đợt triều cường vào giữa và cuối tháng 10/2019 sắp tới, tuy không cao bằng đợt triều cường cuối tháng 9 vừa qua, nhưng cũng ở mức xấp xỉ báo động III, nên cũng rất nguy hiểm cho những vườn cây ăn trái, ao cá, đường giao thông nông thôn, nhà  có nền thấp… của các huyện phía nam của tỉnh như Lai Vung, Châu Thành, Lấp vò, Cao Lãnh… Đặc biệt nếu kỳ triều cường diễn ra đúng vào lúc thời tiết xấu như có dông gió lớn, mưa to kéo dài thì nguy cơ vỡ bờ bao, úng ngập… càng tăng. Do đó trong thời gian tới, các địa phương, các nhà vườn và người dân trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ bản tin thời tiết thủy văn, tiếp tục gia cố nhà cửa, bờ bao cho an toàn.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Triều cường tại Nam Bộ còn diễn biến phức tạp
Triều cường tại Nam Bộ còn diễn biến phức tạp

Tình hình triều cường đang diễn biến phức tạp với đỉnh triều ngày càng tăng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN