Lái xe cần được ưu tiên tiêm vaccine
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã quy định các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine, trong đó lái xe vận tải được xếp ở vị trí thứ 3. Hiệp hội cũng đã có văn bản kiến nghị tới Bộ, Sở GTVT các địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ có TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ lái xe được tiêm ở mức tương đối, còn hầu hết các địa phương khác chưa được ưu tiên.
Để thích ứng với điều kiện nới lỏng giãn cách, đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Song, qua báo cáo thống kê của 63 Sở GTVT, vẫn còn số lượng lớn người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nhất là lái xe, thuyền viên vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện tiêm vaccine. Thực tế này đang dẫn đến tình trạng thiếu đội ngũ lái xe, khiến cho hàng hóa tại cảng biển, cửa khẩu… bị tồn đọng, gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thống kê của các địa phương cho biết, số lượng lái xe vận tải hàng hóa hiện có khoảng 400.000 người. Để không đứt gãy vận tải hàng hóa, các địa phương cần quan tâm ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng này. Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn theo hướng lái xe đã được tiêm 2 mũi vaccine được miễn xét nghiệm hoặc có thì kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy xét nghiệm. Việc này giúp giảm bớt chi phí và thời gian cho doanh nghiệp và lái xe, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó đã bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển; người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động ngành GTVT, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa, lái tàu hỏa, thuyền viên tàu biển, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa, nhân viên vận tải liên tỉnh, người lao động tại các cảng biển, bến thủy nội địa, bến xe, cảng hàng không, nhà ga để tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Rà soát kế hoạch khôi phục vân tải
Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Bộ GTVT đã phối hợp chặt với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời triển khai nhiều giải pháp vận tải, nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu
Thời gian qua, Bộ GTVT đã lập các Tổ công tác đặc biệt bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch do các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa. Bộ GTVT cũng họp giao ban định kỳ hàng tuần với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong hoạt động vận tải hàng hóa; đặc biệt là phối hợp với các Bộ Y tế, Công Thương, Công an, Nông nghiệp và phát triển nông thôn... thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện các quy trình, thủ tục kiểm soát lái xe, phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn giãn cách.
Hiện tại, Bộ GTVT đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt, kịp thời thích ứng an toàn với tình hình mới, để các cơ quan, đơn vị, địa phương thống nhất áp dụng. Đặc biệt, Bộ GTVT đã yêu cầu một số địa phương thu hồi, điều chỉnh ngay những quy định phòng chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những tháng qua, khó khăn lớn nhất là duy trì tổ chức vận tải, đảm bảo chuỗi cung ứng, góp phần phát triển kinh tế dân sinh. Sau khi nới lỏng giãn cách, những tháng cuối năm, ngành GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải, phục vụ lưu thông hàng hoá thông suốt, kịp thời 24/24 giờ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, các Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch bệnh do các đồng chí Thứ trưởng giám sát vẫn duy trì có mặt tại các điểm nóng để chỉ đạo, tổ chức giao thông tại các chốt kiểm soát dịch và kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, cảng biển... để kịp thời tháo gỡ phát sinh nếu có.