Sau các đợt sơ tán được tiến hành trong những ngày vừa qua bằng đường không và đường bộ qua các ngả Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vẫn còn hơn 500 lao động Việt Nam tại Libya và số lao động này sẽ được rút hết về nước trong những ngày tới theo chỉ đạo của Chính phủ.
Lao động Việt Nam chuẩn bị lên xe của Công ty Vinamex chờ đón tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết, tính đến hết ngày 12/8, tổng cộng đã có 1.024 lao động Việt Nam rời khỏi Libya. Hiện toàn bộ lao động Việt Nam tại hai khu vực xảy ra chiến sự ác liệt gồm thủ đô Tripoli và thành phố miền đông Benghazi đã được sơ tán an toàn về nước.
Số lao động còn lại tại Libya vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt và cuộc sống sinh hoạt của họ không bị ảnh hưởng nhiều do sống cách xa khu vực xảy ra chiến sự. Nhiều nhóm lao động trong số đó đã có kế hoạch di dời, trong đó 33 lao động tại thành phố Ajidabya ở đông bắc Libya đang chờ đợi giấy phép nhập cảnh Ai Cập qua cửa khẩu Salloum vào ngày 16/8 và hơn 100 người tại thành phố Sabha ở phía tây nam Libya đã được chủ sử dụng lao động lên phương án sơ tán trong khoảng thời gian từ ngày 20-29/8 tới.
Ngoài ra, nếu kế hoạch không thay đổi, sẽ có thêm 161 lao động Việt Nam sẽ rời Libya trong ngày 13/8. Cụ thể, 92 người sẽ di chuyển bằng đường bộ từ Tripoli sang Tunisia để mua vé máy bay về nước vào ngày 14-15/8 tới; 69 người còn lại nằm trong số 2 lao động làm việc cho nhà thầu Hàn Quốc Hyundai E&C tại thành phố miền đông Al-Beida sẽ di chuyển sang Cairo trên chuyến bay thuê riêng cuối cùng của Hãng hàng không quốc gia Libya (Libyan Airlines) trước khi được thu xếp về nước trên các chuyến bay thương mại.
Thực hiện theo sự chỉ đạo từ Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã và đang phối hợp tích cực với các công ty, các chủ sử dụng lao động nước ngoài và địa phương để đưa lao động Việt Nam ra khỏi Libya càng sớm càng tốt. Trước việc một số công ty không muốn để lao động quay trở về do thiếu hụt nhân lực cho các dự án, công trình đang dở dang, các cán bộ của Đại sứ quán đã tiếp xúc để vận động, thuyết phục họ lên kế hoạch sơ tán cho lao động Việt Nam. Cho tới nay, chỉ còn 245 lao động tại thành phố Misrata ở tây bắc Libya vẫn chưa có kế hoạch di chuyển.
Liên quan đến ba lao động quê Thái Bình, Thái Nguyên và Hà Tĩnh được các công ty Vinaconex-Mec và Simco Sông Đà cử sang Libya làm việc vào năm 2013, và bị mất tích từ ngày 26/7 vừa qua tại Benghazi, Đại sứ Đào Duy Tiến cho biết hiện vẫn chưa xác định được tung tích của những người này. Sứ quán vẫn thường xuyên liên lạc và thúc giục chủ sử dụng lao động địa phương là công ty NDCC tiến hành tìm kiếm, đồng thời gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ nước bạn để đề nghị giúp đỡ.
TTXVN/Tin tức