Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk), từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào cuối tháng 5, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 77 thôn, buôn thuộc 22 xã, phường, thị trấn ở 9/15 huyện, thành phố của tỉnh. Số hộ có lợn mắc bệnh là 259 hộ với gần 2.800 con và số lợn bị tiêu hủy có trọng lượng hơn 134,5 tấn. Đặc biệt, dịch bùng phát mạnh trong nửa tháng trở lại đây. Nhiều nơi như thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp, Krong Ana đã công bố dịch trên địa bàn.
Ông Thủy Lệ Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, trước và sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp. Tuy nhiên, việc phòng, chống, kiểm soát dịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, do bệnh tả lợn châu Phi chưa có vắc xin, kháng sinh điều trị. Khi lợn mắc bệnh, tỷ lệ chết gần 100% nên ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người chăm nuôi. Nhiều hộ bán đổ, bán tháo để cắt lỗ nên kiểm soát dịch rất khó.
Hiện phần lớn người dân vẫn chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, thả rông, không chú ý tiêu độc sát trùng hay tiêm phòng các loại vắc xin thông thường như tụ huyết trùng, tả lợn truyền thống… nên lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, phát tán mầm bệnh. Ý thức người dân trong phòng chống dịch ở nhiều nơi rất kém, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là nguồn cơn phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Kiểm dịch gặp khó khăn do lực lượng mỏng và vấp phải sự đối phó của tiểu thương. Đắk Lắk hiện có 5 Trạm kiểm dịch động vật đầu mối và 1 chốt kiểm dịch tạm thời. Khi dịch bệnh không cho vận chuyển, buôn bán, giết mổ ở vùng có dịch thì tiểu thương lại đi đường mòn, đường tránh nên rất khó kiểm soát. Thêm nữa, hiện không còn kiểm dịch nội tỉnh nên khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh thì người dân lại rất thoải mái vận chuyển lợn giữa các vùng trong tỉnh, khiến lây lan dịch bệnh.
Mặt khác, quỹ đất chôn lấp khi tiêu hủy thiếu, lực lượng tham gia chống dịch không chuyên nghiệp nên xử lý tình huống lâu; tiền thuê công lao động để xử lý quá thấp...
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành nông nghiệp Đắk Lắk khuyến cáo người dân nếu không có điều kiện chăn nuôi tập trung thì nên xem xét chuyển đổi vật nuôi để không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Những hộ có điều kiện tài chính nên tập trung đầu tư theo hướng chăn nuôi hàng hóa, áp dụng an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng định kỳ để ngăn chặn dịch bệnh tấn công. Đặc biệt, người chăn nuôi không nên tái đàn quá sớm, không mở rộng quy mô; thường xuyên theo dõi thông tin để hiểu rõ và có ý thức phòng dịch tốt hơn.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk kiến nghị, mức hỗ trợ tiêu hủy cần sát hơn với giá thị trường. Đối với những đàn lợn đã đủ điều kiện giết mổ mà âm tính với dịch thì cho giết mổ để giảm bớt thiệt hại trong sản xuất…
Đắk Lắk là tỉnh có quy mô đàn lợn lớn nhất Tây Nguyên với trên 700.000 con. Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi lợn ở Đắk Lắk đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh hoành hành như tai xanh, tả lợn châu Phi.