Vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội: Cần một cuộc cách mạng toàn diện!

Cảnh lái, phụ xe bắt hành khách quỳ mới cho xuống, xe buýt cán chết người, nạn trộm cắp, móc túi... đang làm xấu đi hình ảnh của loại hình vận tải công cộng này tại Hà Nội. Chưa kể gánh nặng tăng thị phần, tăng năng lực vận chuyển đang đặt lên vai xe buýt khi chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân được đặt ra. Phải thừa nhận một thực tế, niềm tin vào chất lượng dịch vụ xe buýt đang dần mai một, khiến quá nhiều “thượng đế” than phiền. Để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt trong bối cảnh giao thông thủ đô hiện nay, có lẽ "cần một cuộc cách mạng toàn diện!”.

Kể không hết lỗi

Ai muốn "mắt thấy, tai nghe" lỗi của xe buýt hãy lên xe buýt. Vẫn là những tội “biết rồi, khổ lắm” như việc lái, phụ xe nói năng thô tục, hành xử thiếu văn hóa, bỏ điểm dừng, phóng nhanh, vượt ẩu, coi thường tính mạng người tham giao thông, tệ nạn trộm cắp, móc túi, sàm sỡ của các đối tượng giả danh khách đi xe... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội đã lập gần 1.200 biên bản xử phạt xe buýt vi phạm quy định hoạt động (tăng 185% so với cùng kỳ năm 2010), trong đó, 40% là vi phạm về doanh thu, hơn 12% chạy sai lộ trình, gần 15% chạy không đúng biểu đồ, dừng đón trả khách không đúng quy định...

Cảnh chen nhau lên xe buýt ở Bến xe phía Nam, Hà Nội. Ảnh: Lê Phú


Nếu chọn thang điểm 10 để so sánh về chất lượng xe buýt hiện nay với các loại hình vận tải khác, đa số "thượng đế" đều cho xe buýt dưới 5 điểm. Bạn Hồng Lĩnh, quê ở Nghệ An, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải thường xuyên đi các tuyến buýt 16, 26, 32, 34 cho biết: Đã nhiều lần phải chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mà chưa lên được xe. Tình trạng xe bỏ bến, quá tải như cơm bữa. Phần lớn xe của các tuyến này, chỉ dừng trong chốc lát, ai không nhanh chân thì không lên được xe, nhiều trường hợp vì phải đuổi theo xe còn bị ngã. Cảnh móc túi trên xe thì mọi người đều chứng kiến thường xuyên, nhưng cũng không biết phải làm gì. Bên cạnh đó, lái xe không tôn trọng khách, hay quát tháo...

Chị Nguyễn Thị Hương (nhân viên kế toán) chấm điểm xe buýt Hà Nội 5 điểm. Sau gần một năm đi xe buýt chị cho biết: Xe buýt có ưu điểm là chi phí rẻ, an toàn nhưng không chủ động được về thời gian bằng xe máy. Nhiều tuyến thường xuyên xảy ra tình trạng lúc thì chờ mãi không thấy, lúc thì đến cùng lúc 3- 4 cái, cái trước thì đông nghịt, cái sau thì thưa thớt. Ngoài ra, các tệ nạn trộm cắp, móc túi... diễn ra ngay trên tuyến chạy, cùng với thái độ thiếu văn hóa của nhiều lái xe, phụ xe... Nếu xe buýt khắc phục được những hạn chế trên sẽ thu hút được nhiều người sử dụng hơn.

Anh Đức Tuấn, kỹ sư xây dựng, là hành khách “ruột” của tuyến buýt Bến xe Lương Yên- Cầu Giấy cho biết: Chọn xe buýt làm phương tiện đi làm hàng ngày vì tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, giờ đi làm thường rơi vào đúng giờ cao điểm, nên lo nhất là mỗi khi bị tắc đường, xe buýt có khi bị “chôn chân” hàng tiếng đồng hồ.

Theo điều tra của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), 65% hành khách không đi xe buýt vì lý do chờ lâu, thậm chí do ùn tắc giao thông, có những lượt xe bị muộn tới 40 phút. Thừa nhận những hạn chế của xe buýt như bỏ chuyến, lái xe thiếu lịch sự, trao đổi với phóng viên, Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Trọng Thông cho biết, hoàn toàn chia sẻ với hành khách về tình trạng xe buýt quá tải. Tuy nhiên hạ tầng giao thông Hà Nội như hiện nay, đặc biệt là hạ tầng cho xe buýt còn thiếu và yếu thì chất lượng dịch vụ xe buýt hạn chế là điều khó tránh khỏi. Từ đầu năm đến nay, đối với các lỗi như: Làm thất thoát doanh thu, cắt lộ trình, có thái độ vô lễ với khách hàng... sau khi có bằng chứng rõ ràng, Transerco đã chấm dứt hợp đồng lao động gần 100 lái, phụ xe; khiển trách bằng văn bản, bồi hoàn vật chất theo quy chế 1.370 trường hợp và nhắc nhở khiển trách trước tập thể gần 400 trường hợp...

Sớm chấn chỉnh!

Bộ Giao thông Vận tải đã vạch lộ trình hạn chế xe cá nhân đồng thời phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt, để giảm ùn tắc giao thông đô thị. Đây không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức lớn cho phương tiện vận tải xe buýt. Theo ý kiến của các chuyên gia giao thông Hà Nội, chủ trương này cần được bắt đầu ngay bằng việc chấn chỉnh chất lượng dịch vụ xe buýt càng sớm càng tốt. Chất lượng dịch vụ xe buýt được cấu thành từ 5 yếu tố: Chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt; chất lượng hạ tầng xe buýt; chất lượng đoàn phương tiện, chất lượng đội ngũ công nhân lái xe- nhân viên bán vé và chất lượng kiểm soát- điều hành. Tuy nhiên, cả 5 yếu tố này hiện nay đều bộc lộ nhiều bất cập.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thông thẳng thắn bày tỏ: Transerco đang là doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội. Với vai trò đầu tầu, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt. Trước mắt xe buýt sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, văn hóa phục vụ, nhưng cũng cần xã hội, cộng đồng nâng cao ý thức và có cách nhìn “động viên” đối với xe buýt để chỉ ra cái gì được và chưa được. Với trên 900 xe buýt hoạt động gần 10.000 lượt xe/ngày, vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách/ngày thì việc có lúc, có hiện tượng phục vụ chưa làm hài lòng khách hàng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế này cũng xuất phát từ ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, tình trạng đi lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu thường xảy ra. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến những hành vi, ứng xử của lái xe buýt khi đi đường.

Theo báo cáo của Transerco, mặc dù có nhiều nỗ lực phát triển xe buýt trong những năm qua, nhưng đến thời điểm này, xe buýt Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân. Hà Nội hiện có hơn 70 tuyến xe buýt, vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách/ngày, còn theo mục tiêu Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thủ đô đến năm 2020, xe buýt sẽ có 98 tuyến, khối lượng vận chuyển 2,73 triệu hành khách/ngày, đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của người dân. Xe buýt được coi là giải pháp lớn cho giao thông công cộng đô thị, nhưng hiện tại xe buýt Hà Nội vẫn chưa có đủ thế và lực để phát huy tối đa khả năng, vai trò của mình, bởi rào cản lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Có thể nói, trong bối cảnh giao thông đô thị hiện nay, việc đáp ứng được 20 hay 25% nhu cầu đi lại, thì một mình xe buýt cũng không thể gánh hết nhu cầu của người dân.

Tổng hợp phản ánh của nhiều hành khách thường xuyên đi xe buýt, đa số ý kiến đều cho rằng, để cải thiện chất lượng xe buýt hiện nay, cùng với việc siết chặt hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, tăng chất lượng đội phương tiện, đội ngũ lái phụ xe, cần phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện tình trạng xuống cấp của hệ thống nhà chờ, từ đó mới có cơ sở để cấu trúc lại từ mạng lưới tuyến xe buýt đến hệ thống trạm dừng, nhà chờ. Chủ trương hạn chế xe cá nhân, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, nhằm làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành GTVT. Tự thân xe buýt phải chấn chỉnh và cần thêm sự thông hiểu, đồng thuận từ cộng đồng.

Xe buýt vẫn còn đất để phát triển

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Thủ đô vẫn còn đất cho xe buýt phát triển, vấn đề là cần điều chỉnh lại luồng tuyến cho hợp lý, phát triển mạng lưới, tổ chức lại dịch vụ hấp dẫn hơn. Theo tính toán thì xe buýt hiện vẫn chưa khai thác hết năng lực trên một số tuyến phố, do đó có thể tăng tần suất chạy tại các tuyến này, ngược lại tại những tuyến quá tải thì phải điều chỉnh luồng để giảm tải. Bên cạnh đó, về hạ tầng trước mắt phải thiết kế các điểm trung chuyển, rà soát xê dịch, điều chỉnh các điểm dừng đỗ hợp lý để thu hút được người đến; tiếp đến là hợp lý hóa các điểm đầu cuối, qua đó tiết kiệm chi phí và cố định được mạng lưới.

Xe buýt không phải là nguyên nhân duy nhất gây tắc đường

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Trọng Thông cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng xe buýt là thủ phạm gây tắc đường là hoàn toàn sai lầm, bản thân riêng xe buýt không phải là nguyên nhân. Với hạ tầng chưa có gì thay đổi, quỹ đất là hằng số, trong khi con người và phương tiện giao thông liên tục phát triển, thì bất cứ ai tham gia giao thông bằng phương tiện gì cũng đều có thể là nguyên nhân gây ùn tắc. Một xe buýt chở được 80 người, xe máy chở 2 người thì cần 40 xe máy, cần phải so sánh diện tích xe máy và xe buýt chiếm bao nhiêu trên mặt đường khi cùng vận chuyển số khách đó. Nếu tính ra thì diện tích giao thông động của xe máy gấp 8 lần, của xe ô tô con gấp 16 lần, vậy lấy đâu quỹ đất? Nếu tăng số lượng xe, tăng tần suất phục vụ và tăng số tuyến buýt hoạt động trong bối cảnh không có các giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân hoặc hệ thống đường dành riêng cho xe buýt thì hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ trở nên quá tải.

Cần sự đồng thuận của người dân mới thành công được

Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Mặc dù rất có nhu cầu, nhưng nhiều người dân hiện nay vẫn không mặn mà với xe buýt. Nguyên nhân là do thái độ phục vụ của lái và phụ xe thiếu văn minh và tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông khá phổ biến. Ngành GTVT Hà Nội đã tính tới việc hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ lâu, tuy nhiên, muốn thành công, bên cạnh việc chấn chỉnh, tăng cường chất lượng dịch vụ xe buýt, phải làm từng bước theo lộ trình và cần sự đồng thuận của người dân. Đây là bài toán khó nhưng khó mấy cũng phải làm, thành phố văn minh thì phương tiện vận tải hành khách cộng cộng phải là chính.

Xe buýt phải hấp dẫn nhu cầu người dân

Anh Nguyễn Đức Chung ở Trung Hòa, Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết: Để thực hiện lộ trình hạn chế xe cá nhân, các cơ quan hữu quan nhất thiết phải chấn chỉnh xe buýt theo hướng đáp ứng yêu cầu đa dạng người đi xe buýt, từng bước hấp dẫn người đi xe buýt. Muốn vậy cần mổ xẻ cái chưa được của xe buýt. Do đó, cần phải thay khoán số lượng chuyến cần đảm bảo trong ngày bằng khoán dừng mọi bến, dù đã đông khách cũng phải chờ, không bỏ bến…


Nguyễn Tiến thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN