Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã khái quát chung về tình hình vi phạm pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vi phạm pháp luật về khoáng sản còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Nổi lên là tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra tại các khu vực bãi vàng hai xã Noong Hẻo, Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ; bãi vàng xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên; bãi vàng sa khoáng xã Vàng San, bãi vàng khu vực Nậm Kha Á giáp ranh ba xã Tà Tổng, Nậm Khao, Mù Cả, huyện Mường Tè.
Lợi dụng thời gian nông nhàn, người dân ở nơi khác kéo về các khu vực trên để khai thác vàng trái phép với nhiều hình thức như đào hầm, lò, ủ hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường và phức tạp về an ninh trật tự. Đặc biệt, khu vực bãi vàng Nậm Kha Á, thời gian cao điểm có khoảng 400 - 500 người hoạt động khai thác vàng trái phép. Qua rà soát nắm tình hình, lực lượng Công an đã phát hiện có khoảng 40 hầm, lò với kích thước trung bình cao 1 mét, rộng 1 mét, sâu 60 mét, có hầm sâu 150 mét.
Đại diện các huyện có điểm khai thác vàng trái phép (Mường Tè, Sìn Hồ, Tân Uyên) đã báo cáo về thực trạng khai thác vàng, những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương; đồng thời, đưa ra những đề xuất kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Cuộc họp đã dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp, phương án chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Với một số điểm khai thác vàng trái phép tập trung đông người, đề nghị UBND tỉnh trước mắt chỉ đạo các huyện có biện pháp ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép. Với hầm, lò kiên cố, tỉnh cho rà soát các hầm, xây dựng phương án đánh sập để tránh việc các đối tượng quay trở lại khai thác trái phép. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện, Công an xã, Biên phòng tăng cường quản lý địa bàn, quản lý tạm trú, tạm vắng không để các đối tượng lợi dụng việc thăm thân tiến hành khai thác vàng trái phép.
Đối với khu vực có tiềm năng, trữ lượng lớn thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh đề nghị Bộ phê duyệt trữ lượng, tổ chức đấu giá hoặc cấp phép khai thác để thuận lợi cho việc quản lý địa bàn. Trên cơ sở kết quả thăm dò, nếu xác định điểm mỏ nhỏ lẻ, không thể sản xuất công nghiệp được, Bộ bàn giao cho tỉnh quản lý, cấp phép. Trong khu vực diện tích không có khoáng sản, Bộ thông báo cho tỉnh để chính quyền địa phương bố trí sử dụng đất theo đúng quy định.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương nêu rõ, nếu thống nhất phương án đánh sập các hầm, lò khai thác vàng, có thể sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Tuy nhiên, phải tính toán xem số liệu vật liệu nổ là bao nhiêu và có khả năng để sử dụng được hay không?
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng nhấn mạnh, tỉnh cần xử lý dứt điểm từng điểm khai thác vàng trái phép, xử lý xong điểm ở huyện Mường Tè rồi mới tiến hành xử lý sang huyện khác. Nếu tỉnh thống nhất phương án đánh sập hầm bằng mìn, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện nổ mìn, phải xây dựng phương án cụ thể; đánh sập để các đối tượng không thể quay trở lại khai thác vàng được.
Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cho biết đủ khả năng tổ chức lực lượng công binh, có sẵn phương tiện máy móc để đảm nhiệm phương án của tỉnh đưa ra đánh sập các hầm, lò.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải khẳng định phương án trước mắt là đánh sập các hầm, lò đang khai thác, để người dân không thuận lợi tiến hành khai thác. Công an tỉnh chủ trì xây dựng phương án phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đối với các điểm khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát rồi tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án quản lý phù hợp. UBND các huyện chỉ đạo tăng cường tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra 1-2 lần trên/tuần, tháng tại các điểm khai thác kháng sản. Lực lượng Công an các huyện, xã làm nòng cốt trong việc lập chốt tuần tra, kiểm soát việc khai thác, tiêu thụ khoáng sản. Các huyện có điểm khai thác vàng trái phép nắm bắt đời sống của người dân, nhất là những người đang đi làm tại khu vực bãi vàng để từ đó có giải pháp tạo sinh kế, tránh để tình trạng người dân tập trung đông người khai thác mới xử lý.