Các trường hợp mắc ở người hiện được ghi nhận tại 13 tỉnh, thành phố (An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông , Quý Châu, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Chiết Giang), trong đó tỉnh Tứ Xuyên lần đầu tiên ghi nhận ca bệnh.
Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm mắc bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người. Tuy nhiên, nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9).
Thêm vào đó, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Chính vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A(H7N9) từ vùng vùng có dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A(H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng và phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời…