Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc chữa khỏi cho tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 là thành công đáng mừng của ngành Y tế, nhưng trong những ngày gần đây, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở một số quốc gia. Vì vậy, ngành Y tế các địa phương không được chủ quan, phải hạn chế tình trạng xảy ra người bị nghi nhiễm bệnh mà không biết. Nếu địa phương nào phát hiện trường hợp nhiễm dịch COVID-19, thì phải dốc toàn lực để sớm cách ly, điều trị khỏi bệnh.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng dịch bệnh COVID-19 ngay từ khu vực cửa khẩu; đồng thời, nghiêm túc thực hiện việc cách ly, không để lây nhiễm từ bệnh nhân sang bệnh nhân, từ bệnh nhân sang thầy thuốc.
Ở diễn biến khác, ngày 25/2, tại cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc về triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam không phải ổ dịch, nhưng cần phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm nhất, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch.
"Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, cần sự tham gia hợp tác quốc tế, đặc biệt là ứng phó với tình trạng dịch đang bùng phát tại Trung Quốc, mới đây là Hàn Quốc và sắp tới có thể nhiều quốc gia khác. Vì vậy, cần công khai, minh bạch tất cả thông tin. Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các phương tiện truyền thông phải đẩy thông tin nhanh nhất, công khai thông tin mới có thể cảnh báo cho người dân cùng tham gia chống dịch. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế, mà của từng người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chống dịch bệnh COVID-19 như cuộc chiến chống giặc. Việt Nam đã thắng chiến dịch mở màn, nhưng chưa thắng cả cuộc chiến, vì diễn biến dịch bệnh thay đổi khó lường. Ngành Y tế tuyệt đối luôn kiên định, kiên trì, không được lơ là, không từ bỏ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh.
Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đang làm việc, với 1.005 người Hàn Quốc, 29 người Nhật Bản. Công dân của tỉnh Vĩnh Phúc học tập và lao động tại Hàn Quốc là 433 người, tại Nhật Bản là 3.356 người. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và xu thế nhiều công dân của tỉnh có thể trở về nước, tỉnh đã có những phương án cách ly người trở về từ hai quốc gia trên.
Kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Vĩnh Phúc, nhất là tại xã Sơn Lôi là tập trung khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ người đi/đến, ra/vào xã; lập 12 chốt kiểm dịch, không tổ chức các hoạt động vui chơi, cưới hỏi trong vùng có dịch; hạn chế việc di chuyển của người dân trong xã có dịch đi ra ngoài; trường hợp không chấp hành cách ly sẽ có biện pháp cưỡng chế cách ly; đồng thời, tuyên tuyền cho người dân về cách phòng chống dịch bệnh, thiết lập điểm khám, tư vấn tại xã, địa chỉ khám bệnh ban đầu là trạm y tế xã, không được vượt tuyến thăm khám bên ngoài...
Trước tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã thống nhất áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời; những người có dấu hiệu nghi nhiễm được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm; những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố; rà soát, thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc; người trở về từ khu vực khác ngoài khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và thông báo, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.