Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, thế giới đã ghi nhận 106.355 trường hợp nhiễm COVID-19, 3.600 người tử vong tại 102 quốc gia, vùng lãnh thổ, xu hướng số ca nhiễm tăng vọt mỗi ngày ở mức khoảng trên 1.000 trường hợp. Ở Việt Nam, đã có 31 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó, 16 ca đã được điều trị khỏi, 15 ca mới ghi nhận (gồm 5 ca người Việt, 10 ca người nước ngoài) đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế.
Sau chuyến bay VN0054, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ngày 2/3 có 201 hành khách từ Anh về, Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 ca mắc COVID-19. Ban Chỉ đạo đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp cách ly đối với hành khách trên chuyến bay VN0054; chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác minh các trường hợp chưa có thông tin cư trú, lưu trú để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành chủ động các kịch bản ứng phó, theo quan điểm "Chống dịch như chống giặc". Chính phủ luôn nắm vững tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án cụ thể để hành động theo phương châm: "Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân". "Chính phủ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đề nghị người dân cần nâng cao kiến thức y tế để bảo vệ mình, gia đình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương trong cả nước kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài. "Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong lúc này", Thủ tướng nói và yêu cầu các lực lượng Hải quan, Biên phòng, An ninh cửa khẩu, các sân bay kiểm soát người nhập cảnh kỹ hơn, thắt chặt hơn nữa hoạt động du lịch, du lịch phải đảm bảo an toàn, đặc biệt là từ quốc tế bay về trong nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực, và không khai báo y tế theo quy định của pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét xử lý cụ thể từng trường hợp, nhưng cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung.
“Cần nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, phản ứng nhanh và hiệu quả”, Thủ tướng nói và chỉ đạo trước hết cần kiên trì, cách ly các trường hợp khách du lịch đi trên chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.
Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định, cần công bố thông tin liên quan đến dịch COVID-19 minh bạch, kịp thời; truy tìm nguồn lây nhanh nhất; đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu cho nhân dân; tăng cường tuyên truyền cho người dân, tránh tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ như những ngày vừa qua và hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…
Ngày 9/3, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chuyển tiếp công văn chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đề nghị:
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở (huyện, xã, phường) tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tham gia giao thông cân nhắc trước khi đi lại, không thực hiện các chuyến đi không thực sự cần thiết, đặc biệt không đi đến các khu vực được thông báo có dịch khi chưa có trang bị bảo hộ cần thiết; liên hệ với đường dây nóng và tới cơ sở y tế gần nhất theo hướng dẫn nếu có dấu hiệu bị bệnh; trong trường hợp phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng (bao gồm cả taxi), cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân, khử khuẩn theo quy định của ngành Y tế.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên phương tiện và các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, bến tàu: Chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân cần thiết để tự bảo vệ mình và cộng đồng, phòng chống lây nhiễm trong quá trình làm việc; vệ sinh sạch sẽ môi trường làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế; hướng dẫn các thông tin phòng dịch cho hành khách trước chuyến đi…
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tuân thủ theo các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và người dân phù hợp với các cấp độ của dịch, để bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với người dân và lực lượng Công an trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cấp huyện, xã trên địa bàn thực hiện toàn diện các giải pháp do các cơ quan trung ương chỉ đạo, khuyến cáo nhằm bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch bệnh.
Tùy theo diễn biến và các cấp độ nguy cơ của dịch bệnh (ban bố tình trạng khẩn cấp, cống bố dịch), bộ phận thường trực của Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên theo dõi, báo cáo và kiến nghị tới Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Từ hơn 2 ngày nay, chúng ta bước vào giai đoạn II của cuộc chiến chống COVID-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn II khó hơn giai đoạn I nhiều. Bởi lẽ, dịch bệnh bây giờ đã lan ra hơn 100 nước. Việt Nam phải ngăn dịch bệnh từ hơn 100 ngả, thay vì vài ngả như trước đây. Khó khăn là vậy, nhưng Chính phủ đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản và sẵn sàng ứng phó, ngay kể cả khi có hàng ngàn người bị nhiễm. Do đó, vài ngày tới đây, nếu có một vài chục, thậm chí hàng trăm ca nhiễm, thì cũng hoàn toàn không có gì bất ngờ. Điều quan trọng nhất là cả nước phải tiếp tục kiên trì các nguyên tắc cơ bản của chống dịch".