Nước da ngăm đen, dáng đậm đà, ông đã 20 năm trông coi Al Noor, thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. Ông là Đoàn Hồng Cương, 58 tuổi, ở 12 phố Hàng Lược, Hà Nội.
Ông Đoàn Hồng Cương, người coi sóc thánh đường Al Noor. Nguồn: VNA |
Al Noor được kiều dân Ấn Độ và Hồi giáo đến Việt Nam theo con đường thông thương dựng lên vào năm 1890. Họ đã tình nguyện góp tiền xây cất để Đức tin của mình có nơi ngự trị.
Cha ông Cương là người Pakixtan. Cụ kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, định cư tại Hà Nội từ năm 1940, hình thành một cộng đồng Hồi giáo nhỏ ngay giữa lòng thủ đô. Và cũng bắt đầu từ đó cụ đảm nhận trông nom thánh đường.
Năm 1954, nhiều giáo dân, trong đó có cả người Hồi giáo, di cư vào Nam nhưng ông cụ vẫn ở lại Hà Nội, tiếp tục chăm sóc tòa thánh. Khi cụ mất năm 1963, công việc này giao lại cho người con trai cả, rồi đến ông Cương.
Cuộc sống thường ngày của những người dân đạo Hồi bên tòa thánh Islam duy nhất ở Hà Nội chẳng phải vì những điều luật khắt khe trong Kinh Koran mà trở nên khác biệt. Ông Cương tâm sự: “Cứ 4 giờ 15 phút sáng, cả nhà thức dậy cầu nguyện cho một ngày mới. Mặt trời mọc, gia đình tôi mỗi người một việc. Con trai trông nom cửa hàng tại nhà, các cháu đến trường, phụ nữ làm nội trợ”.
Về những điều cấm kỵ như không uống rượu, hút thuốc, không ăn thịt lợn hay các quy định khắt khe trong tháng Ramadan, ông Cương khẳng định đó là những thói quen dễ dàng rèn dũa. “Điều quan trọng nhất là niềm tin và hướng thiện; chẳng có tôn giáo nào làm con người khổ hạnh”, ông Cương bày tỏ.
Một góc thánh đường Al Noor tại Hà Nội. |
Năm 1980, mẹ và anh chị hồi hương, chỉ còn ông ở lại Hà Nội. Trong suy nghĩ của người theo đạo Hồi, nếu còn một người đàn ông thì đạo không bị mất. Đó là lý do ông gắn bó với tòa thánh, hàng ngày chăm sóc Đấng tối cao.
Nằm trên diện tích 700 m2, Al Noor không vì quy mô nhỏ bé của mình mà thiếu đi những dấu ấn đặc trưng của nhà thờ Islam thường thấy trên thế giới, đặc biệt là những nét kiến trúc Hồi giáo Ấn Độ như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn... Không gian Al Noor khá đơn giản, thoáng đãng với những ô cửa hình vòm cao rộng ở phòng lễ chính. Toàn bộ công trình khoác một mầu trắng tinh khiết.
Đạo Hồi là tôn giáo lớn trên thế giới, với khoảng hơn 1 tỉ tín đồ. Việt Nam có 79 thánh đường, tiểu thánh đường và chùa Hồi giáo với gần 73.000 tín đồ, cư trú tại 13 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhà nước đã công nhận Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo các tỉnh Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Ban Quản trị lâm thời Thánh đường 12 Hàng Lược (Hà Nội). |
Người Hồi giáo cầu nguyện năm lần một ngày vào các giờ nhất định. Và ông Cương cũng mở cửa thánh đường vào các giờ đó để đón tín đồ. Vào buổi lễ chính trưa thứ sáu hàng tuần có khoảng 200 người đến cầu nguyện.
Hơn một thế kỷ qua, công trình trắng Al Noor đã bị hư hỏng nhiều, kinh phí hoạt động của tòa thánh do các giáo dân đóng góp. Ông Cương hồ hởi cho biết Đại hội lần thứ nhất cộng đồng Islam Hà Nội, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, sẽ bàn giải pháp tu bổ Al Noor.
Dẫu chưa một lần về thăm quê cha nhưng ông Cương rất hạnh phúc được sống trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm lịch sử, gắn bó với thánh đường Al Noor. Không một lời ca thán, không một đòi hỏi gì cho bản thân, người đàn ông ấy cứ thể mải miết, lặng lẽ chăm sóc ngôi nhà của Đấng tối cao với đức tin và niềm yêu thương ấm áp.
Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định gồm 5 chương, 46 điều, quy định rõ về hoạt động tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo; hoạt động tôn giáo của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc và tổ chức tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định cũng quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 và thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. |
Phương Chi