Vào vụ thu hoạch lúa, nhiều tuyến đường nhựa, đường bê tông ở cạnh các cánh đồng trồng lúa tập trung trở thành nơi tuốt lúa, phơi thóc và rơm. Điển hình trên Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên dài hơn 10 km, có nhiều phương tiện qua lại nhưng mỗi mùa gặt đến, lại có nhiều người dân lấy Quốc lộ này làm nơi tập kết lúa, tuốt lúa và làm sân phơi. Có người còn lấy cả gạch, đá, các thanh gỗ, cành cây xếp để chắn không cho các phương tiện đi vào khu vực phơi lúa.
Tương tự, những tuyến đường về trung tâm các huyện của tỉnh; các đường liên thôn, liên xã trên địa bàn, ngoài việc chiếm dụng lòng đường phơi lúa, rơm, người dân còn đắp những đống rơm cao, đốt rơm, gây ra khói nên làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Trong những ngày nắng nóng, việc phơi rơm rất dễ dẫn đến cháy phương tiện do rơm mắc kẹt ở gầm xe.
Tại Vĩnh Phúc đã từng xảy ra một số vụ cháy xe ô tô khi đi trên đường phơi rơm trong ngày nắng nóng. Điển hình như chiều 6/6/2018, xe ô tô nhãn hiệu Toyota Vios, biển kiểm soát 88A-179.64 đang lưu thông tại Km 44+150, Quốc lộ 2A, thuộc địa phận xã Đại Đồng, huyện Vĩnh tường đã bị cháy rụi.
Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do rơm quấn vào gầm xe, sinh nhiệt, dẫn đến cháy xe. Cũng trong chiều 6/6, trên Quốc lộ 2C đoạn địa phận thôn Ngọc Thạch, xã An Hòa, huyện Tam Dương đã xảy ra cháy xe ô tô nhãn hiệu Toyota Vios, biển kiểm soát 88A-069.96, ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Trước khi bị cháy, xe này lưu thông trên đoạn đường có phơi rơm cộng với thời tiết nắng nóng. Bước đầu, cơ quan chức năng cũng xác định xe cháy là do bị vướng kẹt rơm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi rơm rạ vướng vào gầm xe, cọ sát với các bộ phận của xe, cọ sát mạnh mặt đường khi chạy tốc độ cao, nhất là ống pô quá nóng sẽ sinh nhiệt, phát lửa, làm xe bị bùng cháy với mức độ nhanh chóng, rất khó cứu chữa. Theo đó, người điều khiển ô tô qua các đoạn đường có phơi rơm khi nắng nóng, phải đặc biệt chú ý, thận trọng và thường xuyên kiểm tra để phát hiện rơm bị lôi cuốn, mắc kẹt trong gầm xe nhằm gỡ bỏ kịp thời.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Văn Hoan cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông khi ngày mùa, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có văn bản gửi chính quyền các địa phương đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các quy định đảm bảo an toàn giao thông trong mùa vụ.
Lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở người dân không phơi thóc, rơm trên đường; xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp có máy tuốt lúa tái phạm nhiều lần…