Đây là công trình mà trước đó người dân đã phát hiện ra một thanh giằng bê tông bị vỡ, lộ ra cốt bằng gỗ bên trong. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 11 thanh giằng bê tông, không phát hiện thêm thanh nào có cốt gỗ, cả 11 thanh giằng đều có kết cấu cốt thép đúng với hồ sơ thiết kế.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, chủ đầu tư công trình cho biết, khi nhận được thông tin về vụ việc này, ông cũng rất bất ngờ, bức xúc, từ trước đến nay chưa từng xảy ra vụ việc như vậy. Hôm nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành đập vỡ để kiểm tra một số thanh giằng bê tông trên toàn tuyến mương. Quá trình kiểm tra 11 trên tổng số 204 thanh giằng bê tông không phát hiện thêm sai phạm, các thanh giằng đều có cốt sắt theo đúng thiết kế, gồm 4 cây sắt phi 8.
Ông Phú cho rằng, cây sắt có cốt gỗ kia là trường hợp hy hữu, có thể do nhóm công nhân khi thi công đã làm mất một khung sắt, rồi không dám báo cáo lại nên đã tự tiện thay bằng thanh gỗ. Còn việc thi công gian dối, rút ruột công trình là không có, giá trị của một bộ khung giằng sắt vào thời điểm đó rất nhỏ, chỉ khoảng 12.000 đồng.
Ông Phú khẳng định, ngoài thanh giằng cốt gỗ đó ra, tất cả 203 thanh giằng còn lại của công trình vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng. Sau 5 năm sử dụng, các thanh giằng còn lại vẫn có lớp bê tông rất chắc chắn. Nếu thanh giằng có cốt gỗ sẽ tự bị vỡ ra, vì sau thời gian gỗ sẽ mục, độ co ngót khác nhau, dẫn đến nứt vỡ lớp bê tông bên ngoài.
“Hiện thanh giằng có cốt gỗ đã được thay bằng thanh giằng cốt thép theo thiết kế. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, kiểm điểm, kỷ luật với những cá nhân, tập thể có liên quan như: phụ trách giám sát, nhà thầu thi công... Để xảy ra sự việc này, tôi thấy rất đáng tiếc và muốn gửi lời xin lỗi tới bà con nhân dân. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng tôi trong quản lý thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Phú cho biết.
Cùng tham gia với đoàn kiểm tra còn có đông đảo nhân dân trong khu vực, những người trực tiếp sử dụng hệ thống kênh mương này để tưới tiêu. Ông Huỳnh Xuân Phương (thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cho biết, người dân rất bức xúc khi thấy lộ ra giằng bê tông cốt gỗ ở mương này, nên đến để xem thực tế kiểm tra có bao nhiêu cây cốt gỗ. Khi đập ngẫu nhiên 11 cây, bên trong toàn là cốt thép, không phát hiện thêm sai phạm nào. Tuy vậy, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lại hoạt động giám sát, thẩm định chất lượng các công trình phục vụ nông nghiệp trong tỉnh.
Về phía đơn vị thi công, ông Phùng Văn Thanh, đội trưởng đội thi công của doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa cho biết, khi thi công, chính ông đã bàn giao đầy đủ sắt cho công nhân. Ông cũng không hiểu tại sao lại cho vào một thanh giằng cốt gỗ. Đây là một việc đáng xấu hổ. Tất cả những thanh giằng hôm nay đoàn kiểm tra đã đập ra, đơn vị thi công sẽ mua vật tư về đúc các thanh giằng mới để thay thế.
Hệ thống kênh mương S8 thuộc địa bàn xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được xây dựng từ năm 2013 với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng, chiều dài 408 mét, có tất cả 204 thanh giằng bê tông để giữ cố định hai thành mương. Theo thiết kế, mỗi thanh giằng sẽ có 4 thanh sắt phi 8, nhưng người dân địa phương đã phát hiện ra 1 thanh giằng bị vỡ lớp bê tông, lộ ra thân cây gỗ bên trong.