Dự báo, từ 7h ngày 20/10 đến 7h ngày 21/10, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km và ít có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp với rãnh áp thấp, trong ngày và đêm 20/10, ở vùng biển các tỉnh từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8; sóng biển cao từ 1 - 2m, biển động.
Trên đất liền, hoàn lưu áp thấp kết hợp rãnh áp thấp cũng gây thời tiết xấu cho nhiều khu vực trong 2 ngày cuối tuần (20 - 21/10). Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ đều có mưa, mưa rào và dông rải rác; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Riêng các tỉnh từ Đà Nẵng - Phú Yên ngày 20/10 có nơi mưa vừa, mưa to. Khu vực ven biển từ Đà Nẵng - Bình Định có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 15 - 30mm/12h, có nơi trên 30mm.
Ngoài ra, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên theo kỳ triều cường. Mực nước cao nhất ngày 19/10/2018, trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 2,59m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,50m; trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An 1,15m.
Trong những ngày tới, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày 25 - 27/10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 2,75m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,65m; tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3 từ 0,1 - 0,2m; trên sông Sài Gòn tại Phú An lên trên báo động 3 từ 0,05 - 0,15m.
Thời gian xuất hiện đỉnh triều hàng ngày từ 5-7 giờ và từ 17-19 giờ. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông và triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ. Cấp độ rủi ro thiên tai do triều cường cấp 3.