Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê hệ thống đê bao, kênh rạch để gia cố, nạo vét trước tình hình lũ có diễn biến khó lường. Ngành nông nghiệp lên kế hoạch phân bổ kinh phí, chủ động ứng phó lũ trong thời gian tới.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ theo kế hoạch từ đầu năm của tỉnh và các địa phương đã đề ra. Trong đó, lấy đỉnh lũ năm 2011 làm kịch bản để ứng phó và thực hiện trên nguyên tắc lấy con người là trọng tâm. Các địa phương và người dân cần chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm thoát nước để bảo vệ sản xuất, đặc biệt quan tâm đến gần 45.000 ha lúa Thu Đông, các vườn cây ăn trái, hoa màu, diện tích mía ngoài vùng đê bao, diện tích nuôi trồng thủy sản. Công tác dự báo, cảnh báo lũ, mực nước cần theo sát tình hình, nhất là dự báo sớm được khả năng xuất hiện và diễn biến phức tạp của lũ; thông báo kịp thời, chính xác và cung cấp đầy đủ các số liệu, các phân tích dòng chảy, mưa, lũ, đến các ngành, các cấp và người dân trong tỉnh biết để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra.
Các ban, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh. Khi có diễn biến tình huống lũ khẩn cấp, cần tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học. Đối với các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết, có kế hoạch bố trí phương tiện để đảm bảo an toàn, triển khai phương án di dời dân vào các cụm tuyến dân cư tập trung khi lũ lên cao; tuyên truyền vận động những gia đình neo đơn đưa trẻ đến điểm giữ trẻ mùa lũ để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Kiệt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành cho biết, trước tình hình lũ kết hợp triều cường diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung gia cố các tuyến đê bao, nâng cấp các tuyến có nguy cơ tràn. Về lâu dài, Ban sẽ tiếp tục kiến nghị nâng cấp các tuyến đê bao, di dời dân cư đến nơi an toàn.
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn trong giai đoạn 2015 - 2020; 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; 100% hộ dân được tuyên truyền, hướng dẫn cách chằng chống nhà cửa; 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu về dân sinh và quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ; hoàn thiện hệ thống đê bao cống, bọng ngăn mặn trữ ngọt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; hạn chế thấp nhất số trẻ em đuối nước vào mùa mưa lũ.
Dưới tác động của lũ lớn trên sông Hậu kết hợp với triều cường mực nước khu vực tỉnh Hậu Giang dự báo sẽ ở mức cao trong thời gian tới. Triều cường gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng và ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao xung yếu.