Vùng rốn lũ Quan Hóa, Thanh Hóa dần hồi sinh trong những ngày sát Tết

Trận lũ xảy ra vào cuối tháng 8/2018 vừa qua đã làm huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) thiệt hại trên 257 tỷ đồng. Nhiều nhà cửa, tài sản của người dân bị nước lũ cuốn trôi. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, vùng rốn lũ nơi đây đang từng bước hồi sinh.

Chú thích ảnh
Công nhân chế biến lâm sản thành đũa để bán trong dịp Tết tại xưởng sản xuất của Bà Lê Thị Hảo, tại bản Đỏ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa. 

Quan Hóa là huyện miền núi nghèo, cơn lũ vừa qua đã  khiến 858 ngôi nhà trên địa bàn bị ảnh hưởng, đường giao thông bị sạt lở. Mưa lũ cũng làm 232 ha cây trồng bị chết, 656 con gia cầm bị cuốn trôi.

Với những người dân sống tại xã Phú Thanh, trận lũ kinh hoàng đã khiến nhà cửa, xưởng chế biến lâm sản của nhiều hộ dân bị trôi mất.

Bà Lê Thị Hảo, trú tại bản Đỏ, xã Phú Thanh cho biết: Toàn bộ 7 ngôi nhà gồm nhà ở, xưởng sản xuất lâm sản của gia đình bị sập, gần 200 tấn đũa mới sản xuất cũng bị nước lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua đối với gia đình bà khoảng 3 tỷ đồng. Khi nước lũ rút, chính quyền đã hỗ trợ gia đình bà khôi phục sản xuất, dựng lại nhà xưởng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi khi nhìn thấy lượng đũa được làm ra chờ ngày cận Tết bán cho các tiểu thương, bà cũng yên tâm phần nào. Mong muốn lớn nhất của gia đình bà là trong 10 ngày tới sẽ thu gom đủ tiền hàng để trả lương cho 20 công nhân làm việc tại xưởng có tiền sắm Tết.

Chú thích ảnh
Người dân bản Đỏ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa tích cực sản xuất để đón Tết Nguyên đán 2019. 

Ông Cao Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho hay, trận lũ vừa qua đã làm 53 ngôi nhà trên địa bàn xã bị ảnh hưởng, trong đó có 9 nhà bị sập, 6 nhà bị nước lũ cuốn trôi, nhiều diện tích lúa, gia súc gia cầm bị chết, tổng thiệt hại 15 tỷ đồng. Sau gần 4 tháng, địa phương cơ bản đã khắc phục gần xong hậu quả mưa lũ. Chính quyền xã đã hỗ trợ, vận động người dân tập trung sửa lại nhà, trồng thêm rau màu, ngô, lúa, khoai, mía để có thêm lương thực phục vụ dịp Tết.

Cục dự trữ quốc gia cũng đã cấp 7,5 tấn gạo cho địa phương. Số gạo trên đã được cấp cho các hộ dân bị hư hỏng nhà, mỗi hộ 10 kg để không bị thiếu đói dịp Tết.

Các xã Trung Sơn, Trung Thành, Thành Sơn chịu nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ cũng đang khẩn trương hỗ trợ người dân sửa lại nhà. Một số hộ trong diện di dời tới đây sẽ được cấp đất trong khu tái đinh cư mới để tái sản xuất và chuẩn bị đón Tết.

Đến nay, đã có 79 đoàn đến địa bàn huyện động viên, hỗ trợ nhân dân với số tiền mặt hơn 13 tỷ đồng, 57.499 kg gạo, 4.717 thùng mì tôm, 1.500 lít dầu ăn, 18.000 lít nước uống, 800 kg muối, 3.980 bộ quần áo, 7.320 bộ sách vở cho học sinh.

Theo ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, địa phương được cấp 540 tấn gạo, trong đó UBND tỉnh cấp 160 tấn, chương trình cấp gạo bảo vệ rừng hỗ trợ 0 tấn để cấp cho nhân dân vùng lũ. Nhằm ổn định cuộc sống cho người dân ở các xã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, huyện Quan Hóa đang chỉ đạo nhân dân tập trung sửa lại nhà. Ngoài ra, huyện  vận động 41 hộ dân bản Co Me, xã Trung Sơn nằm trong diện di dời đến nơi ở mới trước Tết Nguyên đán. 

Để chủ động lương thực dịp Tết cổ truyền, huyện đã vận động người dân trồng nhiều loại cây ngắn ngày, rau màu; đồng thời tiếp tục tiếp nhận, phân bổ nguồn hàng viện trợ của Trung ương, của tỉnh, nhà hảo tâm, đảm bảo công bằng và kiên quyết không để các hộ dân bị thiếu đói.

Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Người dân vùng rốn lũ Cà Là Pá từng bước ổn định cuộc sống
Người dân vùng rốn lũ Cà Là Pá từng bước ổn định cuộc sống

Trong trận lũ xảy ra vào rạng sáng 25/6, huyện Mường Nhé là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN