Nơi biên cương, hải đảo, người lính “quân hàm xanh” luôn vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cùng các lực lượng chức năng xây chắc thế trận lòng dân, không ngừng chăm lo đời sống đồng bào vùng biên qua nhiều mô hình dân vận hiệu quả, thấm đẫm tình quân-dân.
Nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề “Vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam của Tổ quốc ”.
Bài 1: Giữ vững biên cương
Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu. Nơi tiền đồn Tây Nam của Tổ quốc, với đặc thù vùng biên giới biển, đảo, người lính “quân hàm xanh” đang ngày đêm giữ chắc tay súng, vững vàng ý chí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Nắm chắc tình hình biên giới, biển, đảo
Cả một vùng mênh mông ba mặt giáp biển từ bán đảo Cà Mau, vòng qua các quần đảo Tây Nam, vùng biên giới đất liền nơi cực Tây Nam Tổ quốc là những địa giới biên cương tuyến đầu, địa bàn quản lý của Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hai tỉnh luôn gắn kết, phối hợp xử lý tình hình liên quan đến các loại tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại ở khu vực biên giới, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biển, khu vực tiếp giáp; duy trì trao đổi thông tin, tình hình trên khu vực biên giới hàng tuần…
Từ lâu, vùng cửa biển Sông Đốc nhộn nhịp tàu ghe ra vào, kinh doanh nhiều mặt hàng, đặc biệt là sản phẩm hải sản lấy trực tiếp từ chủ ghe, bỏ sỉ lại cho các thương lái hay đại lý ngay tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Chia sẻ với phóng viên, Đại úy Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) cho biết, địa bàn đơn vị quản lý mang tính đặc thù với 9 cửa sông thông ra biển, trong đó Sông Đốc là một cửa biển lớn, tập trung phần lớn ghe, tàu tỉnh của Cà Mau và nhiều địa phương khác hoạt động. Người dân sống tập trung ven các cửa sông chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, dịch vụ thủy hải sản và nông, lâm nghiệp.
Trong năm 2022, vùng biển thuộc Đồn Biên phòng Sông Đốc quản lý được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tình trạng ngư dân khai thác thủy sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, vi phạm IUU đã giảm dần, nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tranh chấp ngư trường, trộm cắp trên biển… vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc duy trì trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình trên biển và địa bàn.
Ngư dân Trần Văn Thiện cho biết: “Tôi bám ngư trường vùng Sông Đốc mấy chục năm, nhiều lần gặp khó khăn trên biển hay những khi gặp bão gió, thiếu nhiên liệu.... đều được cán bộ Biên phòng hỗ trợ nhiệt tình. Tôi cùng với các ngư dân cũng sẵn sàng giúp đỡ các anh Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm trên biển, giữ gìn an ninh trật tự địa phương”.
Trên vùng biên giới, biển, đảo tỉnh Kiên Giang, Bộ đội Biên phòng luôn bám chắc địa bàn, nắm vững tình hình, kiểm soát chặt chẽ cả Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu Giang Thành cùng nhiều đường mòn, lối mở để phòng, chống các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép… Hiện nay, tình hình dịch cúm A/H5N1 đang bùng phát ở phía nước bạn, mỗi ngày có khoảng 400 lượt người xuất, nhập qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Đồn Biên phòng Cửa khẩu đã chỉ đạo trạm, các tổ, chốt trên tuyến biên giới kiểm soát chặt chẽ, không để các mặt hàng gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn Kiên Giang.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhận định, mặc dù dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng tình hình dịch bệnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đề ra các biện pháp tăng cường quản lý, kiểm soát biên giới, vùng biển, chống xuất - nhập cảnh trái phép để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội
Nhờ sự sát sao, bám nắm chặt chẽ tình hình biên giới, biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ trên biên giới, vùng biển của lực lượng bộ đội biên phòng, nên an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới Tây Nam được giữ vững. Đại tá Huỳnh Văn Đông cho biết, năm 2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tổ chức được 4.089 cuộc tuần tra với 17.629 lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ; tham gia chữa cháy 5 vụ, cứu nạn 13 vụ; đưa 4 phương tiện, 19 người vào bờ an toàn. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu…, tập trung tại địa bàn biên giới Hà Tiên, Giang Thành, Phú Quốc và trên biển.
Tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang), Trung tá Nguyễn Hữu Việt, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cho biết, với địa bàn quản lý có cả biên giới thủy, bộ, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại. Đơn vị cũng thường xuyên sử dụng Đội trinh sát, Đội phòng, chống ma túy phối hợp với các Trạm Kiểm soát Biên phòng để đấu tranh với các loại đối tượng này.
Trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Đồn duy trì 23 tổ chốt phòng, chống dịch COVID-19 trong xuất nhập cảnh trên biên giới bộ và biên giới biển Hà Tiên. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các tổ chốt này được đơn vị bố trí tại các vị trí trọng điểm trên tuyến biên giới. Ngoài công tác phòng, chống dịch, các chốt còn có nhiệm vụ phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống buôn lậu và hỗ trợ cho bà con trên các tuyến biên giới phát triển kinh tế.
Sinh ra và lớn lên trên vùng biên giới Hà Tiên thuộc khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, chị Thị Mỹ Loan, người Khmer, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản khu phố Xà Xía luôn cùng bà con tham gia giữ gìn an ninh trật tự vùng biên. Chị Loan chia sẻ: “Các chú Biên phòng ở đây gần gũi dân lắm, thường xuyên giúp đỡ người dân làm ăn, không nghe kẻ xấu dụ dỗ buôn lậu, vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, bà con yên tâm làm ăn, cuộc sống an toàn, con cái được học hành đầy đủ”.
Trên vùng biên giới biển Cà Mau, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện đợt cao điểm phòng, chống các tội phạm ma túy, mua bán người buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan nghiệp vụ và các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện, các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, bảo vệ địa bàn, vùng biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đơn vị đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tổ chức điều tra, xác minh, xử lý kịp thời các vụ việc, đảm bảo chặt chẽ đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Tại các Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm soát Biên phòng, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Cà Mau phát động sâu rộng phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tổ chức hàng trăm lượt tuần tra, kiểm soát lưu động trên địa bàn, vùng biển quản lý. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển của tỉnh.
Bài 2: Nỗ lực phòng, chống vi phạm IUU