Xả nước hồ thủy điện chống hạn

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày vừa qua có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể (Quảng Nam chỉ 20 mm, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk 21 mm, Liên Khương - Lâm Đồng 13 mm)... Hiện hạn hán ở các khu vực này vẫn đang diễn ra rất nghiêm trọng. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định xả nước hồ chứa thủy điện để chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.

 

Giải cơn khát cho 5 vùng


Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Đặng Duy Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi đánh giá tình hình hạn hán tại các địa phương, Bộ phối hợp với EVN quyết định xả nước qua phát điện một số hồ chứa thủy điện để cấp nước cho 5 vùng bị hạn nặng. Đó là lưu vực sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận), lực vực sông Ba - Bàn Thạch (Phú Yên), lưu vực sông La Ngà, Lũy (Bình Thuận), lưu vực sông Serepok (Đắk Lắk, Đắk Nông) và cuối cùng là lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng).


 

Người dân huyện Lắk, Đắk Lắk, tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng chỉ đạo người dân khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân; huy động nhân lực và phương tiện tập trung lấy nước, đảm bảo toàn bộ diện tích có đủ nước để gieo sạ vụ lúa hè thu năm 2013 theo đúng khung thời vụ. Riêng các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk ưu tiên nước tưới cho cây cà phê.

 

Hạn hán còn tiếp diễn


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ 1 - 11/4, mực nước các sông ở Trung bộ và Tây Nguyên biến đổi chậm. Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ nhiều năm như trên sông Cả tại Yên Thượng 0,57 m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc 0,57 m... Riêng sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng, mực nước đã xuống mức thấp nhất lịch sử: 3,52 m. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung bộ đều thiếu hụt so với trung bình từ 55 - 80%.


Hiện lượng nước tại phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... chỉ còn từ 20 - 40% dung tích thiết kế. Đặc biệt, một số hồ chỉ còn dưới 10% dung tích như: Vạn Hội (Bình Định), Tân Giang (Ninh Thuận), Đăkuy (Kon Tum), Đu Đủ (Bình Thuận). Mực nước tại các hồ chứa thủy điện cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,8 - 14,5 m, một số hồ thấp hơn rất nhiều như: Cửa Đạt thấp hơn 34 m; Bản Vẽ 27 m; A Vương: 30 m; Sông Tranh 2: 35,6 m.


Theo dự báo, thời gian tới, tình trạng khô hạn, thiếu nước có thể còn gay gắt hơn, rộng hơn. Trong vụ hè thu 2013, nếu nguồn nước tưới tiếp tục bị thiếu hụt thì diện tích cây trồng thiếu nước và hạn hán ở hai khu vực này sẽ không chỉ dừng lại ở con số 117.000 ha như hiện nay mà có thể sẽ tăng thêm vài chục nghìn ha nữa.


Theo ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống hạn cho lúa đông xuân bằng các biện pháp nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, phối hợp điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm. Một số vùng có thể sẽ phải đào thêm giếng, khơi sâu giếng nước cũ, đặt các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến để lấy nước.


Riêng các tỉnh Tây Nguyên trước mắt tập trung nguồn nước để cứu diện tích cà phê đang bị hạn nặng. Tại những vùng mà nguồn nước xả thủy điện không đến được, người dân tận dụng lượng nước ít ỏi còn lại tại các ao hồ nhỏ, khoan giếng dọc các khe suối để lấy nước tưới cho cà phê.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN