Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, hầu hết người dân trên địa bàn đều sử dụng nước sông để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Chính vì vậy, mặn có xâm nhập vào các sông, rạch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Chí Kiên cho biết, hiện nay, thành phố có một số trạm quan trắc độ mặn tại các tuyến sông chính có nguy cơ xâm nhập mặn. Theo số liệu thống kê tổng hợp từ các trạm quan trắc độ mặn trên tuyến sông Hậu vào tháng 1/2020 và đầu tháng 2/2020, độ mặn vẫn thấp hơn ngưỡng cảnh báo 1 (dưới 0,48‰).
Tuy nhiên, từ ngày 5/2 đến ngày 13/2/2020 tại Trạm quan trắc Cái Cui (quận Cái Răng) ghi nhận, độ mặn đo được đã vượt ngưỡng cảnh báo. Đỉnh điểm là vào ngày 10/2/2020, độ mặn đo được 3,01‰, đạt mức cảnh báo 3, cao hơn gần 1‰ so với đỉnh điểm độ mặn vào năm 2016. Từ ngày 14/2/2020 đến nay, độ mặn đã giảm xuống dưới mức cảnh báo 1.
Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát diễn biến xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch hoàn thiện hệ thống quan trắc độ mặn tự động; tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn và các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn cho cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, cho biết, trong đợt triều cường vào đầu tháng 2/2020, độ mặn tại khu vực cảng Cái Cui có thời điểm đo được hơn 3‰, nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến cây trồng, nước sinh hoạt người dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo mặn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy ngành nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương trước mắt chủ động triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, nhất là vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020; tuyên truyền cho người dân tại những khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng từ xâm nhập mặn để chủ động lấy nước sản xuất, sinh hoạt.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trước tiên cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân biết về tình hình xâm nhập mặn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quận Cái Răng cần thông báo cho người dân biết thời gian, địa điểm sẽ bị mặn xâm nhập, đặc biệt là trong đợt điều cường tháng 2 âm lịch. Khi mặn xâm nhập, những khu vực, đối tượng cây trồng, vật nuôi nào sẽ bị ảnh hưởng để tính toán cho từng khu vực, chủ động ứng phó đến hết các đợt triều cường trong năm 2020.
Về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất mở rộng hệ thống cấp nước nông thôn hiện có để đảm bảo 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; ứng dụng kỹ thuật xử lý và lọc nước nhiễm mặn; nghiên cứu canh tác các giống lúa, cây ăn trái, rau màu chủ lực của thành phố có thể chịu được sự thay đổi của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Ngành Nông nghiệp triển khai các quy hoạch thủy lợi nhằm củng cố, hoàn thiện hệ thống đê bao phục vụ xuất và phòng chống thiên tai, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng theo hướng thích nghi với môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Cùng với đó, các cấp, các ngành nghiên cứu sự biến đổi sinh thái, tập huấn nâng cao ý thức người dân về xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, xử lý nước nhiễm mặn và đa dạng nguồn cấp nước, thông qua chương trình bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao do thiên tai để bố trí tái định cư nhằm ổn định đời sống người dân; đào tạo, tập huấn, chuyển đổi nghề nhằm ổn định thu nhập cho người dân dễ bị tổn thương.