Toàn bộ cánh đồng lúa ở Ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) bị nhiễm mặn xám đen, lép hạt ngay trước ngày thu hoạch. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre, cho biết mùa khô năm nay lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long chảy về rất ít, thủy triều biển Đông lại ở mức cao nên xâm nhập mặn rất sớm và rất sâu. Đặc biệt, mặn xâm nhập sâu nhất trong lịch sử từ xưa đến nay, đỉnh mặn và chân mặn chênh lệch rất nhỏ so với nhiều năm (mặn vẫn ở mức cao so với đỉnh mặn khi nước ròng thấp).
Những ngày sắp tới, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và phức tạp, mặn xâm nhập rất sâu trên toàn bộ các hệ thống kênh rạch của tỉnh. Độ mặn 4‰ xâm nhập trên các sông chính cách các cửa sông trên 70km, độ mặn 1‰ xâm nhập toàn bộ khu vực tỉnh Bến Tre và duy trì cho đến nửa đầu tháng 5/2016.
Trong 3 tháng tiếp theo, dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long là rất hạn chế và phụ thuộc nhiều vào việc xả nước của các hồ thủy điện ở thượng lưu. Tháng 4-5/2016, cũng là thời gian mà mực nước và lưu lượng dòng chảy trên sông Tiền, sông Hậu sẽ xuống mức thấp nhất năm.
Trong nửa đầu tháng 5/2016, có khả năng xuất hiện mưa rào và dòng chuyển mưa trên khu vực tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, diện mưa chưa đều và lượng mưa còn ít nên tình hình khô hạn ở hầu hết các nơi vẫn còn gay gắt. Nhiều khả năng phải tới cuối tháng 5, đầu tháng 6 mùa mưa mới bắt đầu ở mức muộn hơn trung bình nhiều năm và xấp xỉ năm 2015. Tổng lượng mưa 3 tháng (tháng 4,5,6) sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 15 – 30%. Vì thế, xâm nhập mặn sẽ bắt đầu giảm nhẹ dần vào những ngày đầu tháng 7 và từ giữa tháng 7, xâm nhập mặn mới thực sự giảm nhanh.
Hiện nay, xâm nhập mặn đã diễn ra tại 162/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bến Tre, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Độ mặn trong nội đồng có nơi trên 5‰ khiến trên 19.000ha lúa đông xuân bị mất trắng 100%; trên 510ha hoa màu, 103.000 cây giống, gần 5.800ha cây ăn quả và 475ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trên 88.200 hộ dân, với hơn 353.000 người bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hoạt động của các bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu nước ngọt.