Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20/CT-TW ngày 5/11/2012 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em 2016. Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị định và đặc biệt có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ; các bộ,̣ ngành, tổ chức, địa phương trong việc triển khai các chương trình, mô hình về công tác trẻ em.
Năm 2020 là năm bản lề, đánh dấu sự kết thúc của hàng loạt chương trình, chiến lược quốc gia, trong đó có các chương trình liên quan đến sự tham gia và bảo vệ trẻ em. Dự thảo chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em và dự thảo chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025 là hai chương trình có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phối hợp giữa các bên liên quan trong công tác quản trị quyền trẻ em.
Bàn về quyền trẻ em và cập nhật việc xây dựng các chương trình bảo vệ trẻ em, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em năm 2021-2025, bà Nguyễn Thị Nga nêu rõ, Luật Trẻ em 2016 có 25 điều liên quan đến quyền của trẻ em, đặc biệt có những quy định rất cụ thể của luật liên quan đến nhóm chăm sóc và giáo dục trẻ em như: bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo các tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em; có chính sách ưu tiên cho trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh... Tuy vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đúng, đầy đủ trách trách nhiệm đối với các quyền của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em.
"Nhằm đáp ứng việc bảo đảm quyền trẻ em, thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các tổ chức liên quan và địa phương để đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu rất cụ thể, trong đó có nhóm quyền liên quan đến văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Cụ thể, Cục Trẻ em sẽ đưa vào Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 cũng như các chương trình mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, thực hiện trong giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm tới" - bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Chia sẻ về kiến thức, kỹ năng báo chí trong bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho biết, các nhà báo và các nhà hoạt động báo chí chuyên nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm các chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp cao nhất và cần thúc đẩy việc truyền bá rộng rãi thông tin về Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em và những tác động của Công ước đến các hoạt động báo chí độc lập. Ngoài ra, các tổ chức báo chí cần coi việc vi phạm các quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến an toàn, đời sống riêng tư, an ninh, giáo dục, sức khỏe, phúc lợi xã hội của trẻ em và mọi hình thức bóc lột là những vấn đề quan trọng cần được tìm hiểu, tranh luận trong công chúng. Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thông phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhận thức; chia theo độ tuổi: (từ 5-10 tuổi, 10-15 tuổi, 15-18 tuổi); theo vùng, miền, phù hợp với văn hóa, nhận thức.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự được cung cấp thông tin về một số mô hình bảo vệ, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong trường học và cộng đồng như: giáo dục công dân số trong nhà trường; giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em hỗ trợ tâm lý cho trẻ em trong trường học… Đồng thời, đại diện một số tổ chức xã hội cũng đã chia sẻ phương pháp xây dựng kế hoạch truyền thông bảo vệ, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.