Ngày 11/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS) và ILO công bố bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động năm 2013, trong đó có 11 doanh nghiệp được xếp hạng A1.
Việc đánh giá được VAMAS thực hiện dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử (CoC-VN) cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. CoC-VN là công cụ đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động tránh bị bóc lột.
Theo ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch VAMAS: Đây là năm thứ hai đơn vị tổ chức đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động, với các tiêu chí đảm bảo quyền lợi của người lao động khi đi xuất khẩu như tư vấn, hỗ trợ việc làm, giải quyết các mâu thuẫn... Bên cạnh thông tin của cơ quan chức năng, bảng đánh chất lượng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn dựa trên đánh gia của chính các lao động.
Lần thứ 2, số doanh nghiệp tham gia đánh giá đã tăng từ 20 doanh nghiệp lên 47 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này chiếm tới hơn một nửa số lao động được gửi đi xuất khẩu lao động. Dự kiến trong năm tới, số doanh nghiệp này sẽ tăng lên 70 doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, việc mở rộng diện đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo tiêu chí CoC-VN tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tránh vi phạm trong quá trình tuyển dụng, nâng cao chất lượng tuyển dụng doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam có hơn 170 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, mỗi năm đưa xuất khẩu hơn 80.000 lao động tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
XC