Mòn mỏi chờ nguồn máu hiến
Nằm trên giường bệnh của khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Trần Thị Hương (44 tuổi, quê Thái Bình) rơm rớm nước mắt: “Tôi được phát hiện ung thư máu hơn một năm nay, đây là đợt thứ 4 điều trị hóa chất. Bệnh của tôi phải thường xuyên truyền máu và tiểu cầu, thì mới có thể truyền hóa chất được. Đợt này bệnh viện khan hiếm máu và tiểu cầu quá, nên phải nằm chờ. Những bệnh nhân như tôi mong mỏi có nguồn máu từng ngày, từng giờ”.
Cũng bị ung thư máu và đang trong cảnh chờ đợi, bệnh nhân Vũ Thị Vinh (34 tuổi, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) lo lắng: “Tôi lên viện từ hôm mùng 5 Tết, nhưng đến nơi thì bác sĩ cho biết là đang thiếu máu, thiếu tiểu cầu trầm trọng. Bác sĩ đã liên tục kêu gọi cho truyền máu nhưng vì thời gian từ trước gần Tết tới giờ, máu dự trữ rất khan hiếm, nên phải hoãn”.
Chị Vinh đã bị xuất huyết ra cả chân, tay. Thời điểm lượng máu xuống quá thấp, bác sĩ chỉ xin được cho chị truyền máu và truyền tiểu cầu trong hai ngày; sau đó chị phải liên tục tiêm thuốc cầm máu trong thời gian trì hoãn.
“Tôi chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua nhanh, người dân lại tiếp tục hiến máu để chung tay góp sức cùng bệnh viện cứu các bệnh nhân nặng. Mỗi đơn vị máu, tiểu cầu nhận được từ cộng đồng lúc này còn quý hơn vàng vì có thể cứu mạng sống của những bệnh nhân đang thoi thóp chờ đợi điều trị như tôi”, chị Vinh nói.
Từ sau Tết, khi dịch bệnh xảy ra, lượng người đi hiến máu giảm nghiêm trọng khiến lượng máu điều trị dự trữ dừng ở mức báo động. Theo dự báo của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, lượng máu dự trữ trên cả nước chỉ còn khoảng 15.000 đơn vị, nếu cung cấp đủ cho bệnh nhân thì chỉ duy trì được trong 2- 3 ngày tới.
Clip TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia chia sẻ về tình trạng thiếu máu điều trị của cả nước:
TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: “Từ sau Tết đến hiện tại, có ngày Viện chỉ tiếp nhận được khoảng 40 đơn vị máu trong khi nhu cầu điều trị cần khoảng 1.500 đơn vị máu/ngày. Cụ thể từ ngày 29 Tết đến mùng 10 Tết Canh Tý, tại Viện chỉ tiếp nhận được tổng cộng 460 đơn vị (kể cả lượng máu của nhân viên trong Viện hiến).
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra. Tuy năm nay việc chuẩn bị dự trữ máu trước Tết đã đảm bảo, nhưng ngay sau Tết, do dịch bệnh nCoV, kế hoạch hiến máu của các đơn vị đã bị trì hoãn rất nhiều do khuyến cáo không tập trung đông người và người dân cũng ngại đến hiến máu. Nhiều cơ sở đã dừng lịch hiến máu lại, ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện.
“Ngay tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương lúc này, máu chỉ đủ ưu tiên cho những trường hợp cần cấp cứu, khẩn cấp, còn lại những trường hợp khác đều phải trì hoãn. Tình trạng thiếu máu điều trị đang xảy ra trên toàn quốc, nhất là khi Lễ hội Xuân hồng kêu gọi hiến máu đầu năm sẽ không được tổ chức, tình trạng khan hiếm máu chắc chắc sẽ trầm trọng hơn rất nhiều”, TS.BS Trần Ngọc Quế lo ngại.
Cộng đồng chung tay vì người bệnh
Trước tình trạng khan hiếm máu đến mức báo động, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đang khẩn cấp kêu gọi người dân tích cực tham gia hiến máu, trong điều kiện công tác hiến máu được tổ chức an toàn. Tín hiệu vui là nhờ kêu gọi, khoảng 2-3 ngày nay, số lượng người dân đến hiến máu đã tăng lên.
Ghi nhận tại điểm hiến máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, lượng người đến tham gia hiến máu khá đông, xếp hàng chờ kín các khu vực đăng ký và lấy máu.
Đi hiến máu cùng khá đông đồng nghiệp trong cơ quan, anh Đỗ Thành Long (công tác tại Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ: “Tôi đã hiến máu, tiểu cầu trên 30 lần, vì thuộc nhóm máu O (RH-) là nhóm máu hiếm nên khi được Viện kêu gọi đến hiến tiểu cầu do đang có bệnh nhân cần, tôi cùng đồng nghiệp tới tham gia ngay. Chúng tôi hy vọng kịp thời đóng góp để bù đắp nguồn máu điều trị cho bệnh nhân, trong thời điểm người dân ít đi hiến máu vì lo sợ dịch bệnh. Tôi nghĩ, trong lúc này chúng tôi phải thể hiện sự xung kích của thanh niên, nhất là trong thời điểm khó khăn này"
Khi đến hiến máu, anh Long cùng đồng nghiệp tuân thủ phòng bệnh theo quy định của bệnh viện như: Đeo khẩu trang, giữ gìn đôi tay sạch sẽ. "Đến đây tôi thấy điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh của Viện rất tốt”- anh Long nói.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hiến máu. Tôi có đọc tin tức trên mạng thấy Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang kêu gọi vì tình trạng thiếu máu điều trị trầm trọng; nên quyết định rủ thêm mọi người trong công ty đi hiến máu. Đã có 6 người cùng tôi đi hiến máu. Tôi tin những đơn vị máu của mình có thể mang đến cơ hội sống cho bệnh nhân, đây là việc tốt mà mình cần làm ngay không chờ đợi”, chị Nguyễn Thị Sâm (ở Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Với tinh thần ngày càng lên cao, những tấm lòng trong “cơn bão” dịch bệnh nCoV đã và đang mang đến cơ hội sống cho những người bệnh.
TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia nhận định: “Khoảng 2-3 ngày gần đây, nhờ các hình thức truyền thông, mời gọi người hiến máu, tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cũng như tại các điểm hiến máu cố định của Viện, số người dân đến tham gia đã tăng lên, thậm chí gấp 2- 3 lần so với những ngày trước. Nếu duy trì được nhịp độ này, tình nhìn sẽ được cải thiện”.
Cũng theo TS.BS Trần Ngọc Quế, việc vận động người dân tham gia hiến máu đang được tích cực thực hiện. Cụ thể, Trung tâm vận động các cơ quan, đơn vị đã có lịch hiến máu cố định thì tiếp tục duy trì hoặc chưa có lịch thì chỉ cần có 20-30 người hiến máu là sẽ đến tại các điểm đó để lấy máu. Tại Hà Nội, Trung tâm Máu Quốc gia khuyến khích người dân đến các bệnh viện có tổ chức hiến máu như: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103… Riêng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương hiện có các điểm hiến: Trung tâm Máu Quốc gia, 26 Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm), ngõ 10/122 đường Láng (quận Đống Đa), 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân); người dân có thể đến trực tiếp các điểm hiến máu để tham gia cứu chữa người bệnh.
“Thông điệp của chúng tôi là mong muốn người dân có thể vượt qua những lo lắng về dịch bệnh nCoV để đi hiến máu cứu chữa người bệnh vì hiện nay lượng máu đang rất khan hiếm. Bên cạnh đó, khi người dân đi tham gia hiến máu thì cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đặc biệt, khi đến tham gia các quy trình, người dân nên khai đầy đủ các thông tin để các bác sĩ có thể dự phòng được hoặc thực hiện đúng các quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho cả người hiến máu và cả bệnh nhân”, TS.BS Trần Ngọc Quế khuyến cáo.