Theo thông tin từ các sàn môi giới bất động sản tại đây, hầu hết các căn biệt thự này đều đã có chủ từ khi xây dựng, nhưng do người mua trước đây chủ yếu để “lướt sóng”, hiện nay không có giao dịch, nên mới bị bỏ hoang.
Video biệt thự 'triệu đô' bỏ hoang tàn như phế tích:
Khu đô thị Nam An Khánh nằm ở phía Tây Thủ đô, thuộc 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), ngay nút giao giữa Đại lộ Thăng Long và trục đường Lê Trọng Tấn, được xây dựng từ năm 2008, với tổng diện tích đất dự án quy hoạch cho xây dựng khu đô thị gần 190 ha, do Tổng Công ty Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Khu đô thị bao gồm khoảng hơn trăm biệt thự đơn lập, song lập, khu liền kề - nhà vườn, với các loại diện tích từ 133 - 884 m2... Với lợi thế thuận tiện về giao thông tới trung tâm Hà Nội, khu đô thị này hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường sống đẳng cấp, hiện đại, trở thành nơi đáng sống nhất Thủ đô từ khi xây dựng.
Tuy nhiên, sau hơn thập kỷ bỏ hoang, cảnh nhếch nhác, hoang tàn, xuống cấp hiện nay của những dãy biệt thự bạc tỷ nơi đây đang không chỉ cho thấy những phế tích hiện hữu, không biết bao giờ được hồi sinh, mà còn cảnh báo tới các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương về sự lãng phí nguồn lực đất đai. Từ cổng chào Khu đô thị Nam Anh Khánh trên Đại lộ Thăng Long, đi qua dãy shophouse Nam An Khánh nằm tại vị trí trung tâm của khu đô thị, có thể dễ dàng ghi nhận khung cảnh hoang tàn nêu trên.
Con đường dẫn vào các khu biệt thự không bóng người qua lại, cỏ dại mọc cao quá đầu người bao trùm sân vườn, khuôn viên, hạ tầng đường xá... thỉnh thoảng mới thấy bóng một vài công nhân thi công cầm chừng, đâu đó một vài người dân sinh sống tại các khu vực lân cận vào phát cỏ dại tại các khu đất trống bao quanh các nhà vườn để trồng rau, hoa màu...
Thời gian qua, thị trường bất động sản "sốt nóng" cục bộ ở nhiều khu vực, trong đó có vùng phía Tây Hà Nội. Các loại hình bất động sản liền kề, biệt thự khu vực này liên tiếp xác lập mức giá cao. Trên các trang thông tin mua bán nhà đất, giá các căn biệt thự nơi đây vẫn được rao bán với mức giá bạc tỷ từ 23 – 31 tỷ đồng/căn, cao gấp 2 - 3 lần thời điểm mua vào năm 2010, nhưng gần như không có giao dịch. Phía trước lớp tôn hoen gỉ bao quanh nhiều căn biệt thự bỏ hoang có số điện thoại của chủ nhà rao bán đều đã phai mờ theo thời gian, không gian trong và ngoài nhiều ngôi nhà toát ra nỗi ám ảnh vì tối tăm, rêu phong, nhếch nhác…
Qua tìm hiểu của phóng viên, cuộc đua xây dựng khu đô thị mới, khu đô thị kiểu mẫu giai đoạn từ năm 2008 - 2012 kéo theo nguồn cung BĐS ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề tăng mạnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2011 - 2013 xảy ra cuộc khủng hoảng của thị trường khiến không ít khu đô thị bị trượt giá, kém thanh khoản, rơi vào trầm lắng, bỏ hoang và không ít nhà đầu tư bị "chôn vốn". Trải qua khoảng thời gian phục hồi, đến nay giá bất động sản tại một số khu đô thị bất ngờ tăng giá chóng mặt, tăng trung bình từ 20 - 30%/năm.
Theo lý giải của các sàn giao dịch BĐS, hiện tượng tăng giá đột biến thời gian qua chủ yếu chạy theo quy hoạch hạ tầng mạnh mẽ ở khu vực này như đường vành đai 3.5 kết nối khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì... Mặc dù năm 2022 - 2023 hứa hẹn thị trường nhà biệt thự liền kề sôi động, nhất là các dự án có tiện ích đầy đủ, hạ tầng kết nối thuận tiện và khi nguồn cung khan hiếm... nhưng thực tế, giá bất động sản tại những khu đô thị bỏ hoang nhiều năm nay vẫn sẽ khó giao dịch.
Cuối năm 2021, TP Hà Nội đã có đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với các chủ đầu tư sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Ngoài ra, thành phố còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn; đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua ngôi nhà thứ hai trở lên. Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị bỏ hoang xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đầu cơ. Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng việc đánh thuế nhà đất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế mạnh. Như vậy, không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê. Do đó, cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm để chống đầu cơ, thay vì như hiện nay chỉ ở mức 0,15% giá trị BĐS.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, biệt thự bỏ hoang là sự lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị. Tại Hà Nội, không ít dự án không có người sử dụng, chứ không chỉ một vài căn. Biệt thự bỏ hoang chỉ là một phần, lãng phí nhất chính là đất bỏ hoang, bị găm giữ. Vì vậy, nên đánh thuế cao để tránh lãng phí tài nguyên đất.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản cũng đưa nhận định, việc sửa đổi Luật Đất đai đang thực hiện và các luật có liên quan phải đặt trọng tâm vào khai thác và làm tăng giá trị quỹ đất. Ngoài ra, để nâng cao giá trị đất đai, việc thay đổi quy định về khung giá đất có vai trò lớn. Trong suốt 10 năm qua, Luật Đất đai 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”. Điều này dẫn đến thực trạng Nhà nước thu hồi đất không sát với giá thị trường, gây thất thu ngân sách.
Rõ ràng, vấn đề kiểm soát năng lực tài chính của chủ đầu tư, nhà đầu tư phát triển bất động sản, tham gia đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh tình trạng dự án bỏ hoang chậm tiến độ, đất đấu giá cao rồi bỏ cọc... hiện nay đang là vấn đề cấp thiết.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, giá trị của đất luôn gắn liền với mục đích sử dụng đất. Giá trị đất đai tăng lên khi thay đổi mục đích sử dụng đất từ các hoạt động mang lại sức sinh lợi thấp như: Nông nghiệp, công viên cây xanh… sang sử dụng cho các hoạt động có sức sinh lợi cao như: Đất ở, đất kinh doanh thương mại dịch vụ... nhằm giải quyết những bất bình đẳng giữa nhà đầu tư bất động sản tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường, với những nhà đầu tư bất động sản có cơ hội tiếp cận đất đai bằng các quyết định hành chính của Nhà nước.