Video ông Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ:
Thưa ông, xin ông cho biết, Việt Nam đã được vị thế như thế nào trên trường quốc tế sau 40 năm đổi mới?
Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam kế hoạch hóa tập trung bao cấp, hiện nay chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu trước đây người dân mong muốn "ăn no, mặc ấm", bây giờ người dân đã được lựa chọn "ăn ngon, mặc đẹp".
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế từ chỗ thụ động tham gia vào luật chơi các tổ chức quốc tế và khu vực, Việt Nam đã tham gia và định ra luật chơi; từ vị thế muốn làm bạn với tất cả các nước, trở thành bạn và đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tất cả các lĩnh vực đều có bằng chứng, số liệu chứng minh sự phát triển rực rỡ của Việt Nam trong 40 năm đổi mới vừa qua.
Thưa ông, vai trò của Australia trong sự phát triển của Việt Nam những năm đổi mới vừa qua là gì?
Tôi có niềm tin sâu sắc quan hệ hai nước Việt Nam – Australia ngày càng tốt đẹp hơn. Australia đứng thứ 7 trong các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Đây là khởi đầu tốt đẹp, nhưng các công việc còn nặng nề khi cần hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam đã xây dựng trước đó.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những gì đã đạt được như quan hệ song phương, đa phương; đẩy mạnh hoạt động hợp tác hơn trong Quốc phòng – An ninh. Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện hoạt động của Liên hợp quốc; đồng thời, hỗ trợ Việt Nam về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là thế mạnh của họ.
Trong nhiều năm qua Australia đã giúp Việt Nam nhiều trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045" là một trong nhiều hoạt động Australia giúp Việt Nam đưa Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập trung bình cao.
Trong hàng chuỗi sự kiện, đây là hoạt động khởi đầu trong chuỗi nghiên cứu giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, tổng kết 40 năm đổi mới ở Việt Nam. Nhìn nhận vấn đề trong thời gian tới dưới sự hỗ trợ nguồn lực, tài lực và trí tuệ từ các trường đại học hàng đầu ở Australia, điều này giúp Việt Nam nhìn nhận lại những gì còn hạn chế, chưa làm được.
Vậy, xu hướng toàn cầu và cơ hội lớn với Việt Nam trong giai đoạn mới là gì? Việt Nam sẽ cần tận dụng những điểm gì để hoàn thành mục tiêu, định hướng đến năm 2045, thưa ông?
Theo tôi, có 3 vấn đề cơ bản tạo cơ hội lớn đối với Việt Nam. Đó là nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ hội thứ hai là giúp Việt Nam hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số. Cuối cùng, Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình để tạo thành quốc gia cầu nối với các quốc gia ASEAN và các nước Đông Á.
Việt Nam cần phát triển tổng thể cho tất cả các phương diện: Chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế văn hóa xã hội.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Việt Nam tiếp tục thực hiện phối hợp tốt giữa cả 3 lĩnh vực này, đảm bảo bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, phát huy nền ngoại giao cây tre Việt Nam, không bị động.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó là hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng cần lưu ý nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ, trong bối cảnh thế giới về xu thế già hóa dân số, Việt Nam cần tính đến an sinh xã hội cho người già, đón đầu nguy cơ, thuận lợi mà già hóa dân số mang lại. Già hóa dân số mang lại nền kinh tế bạc, những người già có cả đời tích cóp, nên có thể chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng...
Trân trọng cảm ơn ông!