Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thời gian gần đây, các cơ quan truyền thông đã phản ánh tình trạng người dân tiếp tục tiếp diễn việc vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ra môi trường tại một số địa phương như: Hậu Giang, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng... làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh việc phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã huy động các lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, công an, dân quân...) tổ chức giám sát, phát hiện và kịp thời thu gom, tiêu huỷ xác lợn chết vứt ra ngoài môi trường (sông, ngòi, kênh, rạch...) trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn chết theo quy định; chấm dứt ngay tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường như nêu trên.
Đồng thời, giao và chỉ đạo các lực lượng công an của địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đề nghị các thành viên như Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường của Trung ương và địa phương có biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngăn chặn và cần thiết xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật để kiểm soát, xử lý môi trường khi tiêu huỷ lợn bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh, đặc biệt đối với số lượng lớn lợn phải tiêu huỷ theo từng địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam vào mùa mưa.
Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổng số lợn buộc phải tiêu huỷ là hơn 4 triệu con.