Các ý kiến chuyên gia, người dân về hầm và cầu vượt bộ hành từ các góc độ: quản lý, tuyên truyền, bảo vệ, cân đối kinh tế.
PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình, Trưởng bộ môn Đường bộ (Đại học GTVT Hà Nội): Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ, quản lý hầm và cầu vượt bộ hành khi bàn giao đưa vào sử dụng
Nhiều người vẫn băng qua đường gây nguy hiểm, mặc dù cầu vượt đường bộ cách đó không xa
Tác dụng của hầm và cầu vượt bộ hành góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ qua đường, giảm tai nạn giao thông... Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của hầm và cầu vượt bộ hành là làm thế nào để phát huy hiệu quả tối đa khi đưa vào sử dụng, trong bối cảnh đất chật người đông, phương tiện gia tăng chóng mặt từng ngày. Hiện nay, ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân còn hạn chế, nhiều người vẫn băng qua đường gây nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện lưu thông trên đường. Do đó, ngoài biện pháp cưỡng chế, xây dựng rào chắn tại dải phân cách cao lên để người đi bộ không băng qua đường được, phải xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị đóng vai trò bảo vệ, quản lý hầm và cầu vượt bộ hành khi bàn giao đưa vào sử dụng, nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi hầm và cầu vượt bị xuống cấp, khó thu hút người dân sử dụng như thời gian qua.
Anh Lê Quang Vinh, nhân viên bảo vệ hầm bộ hành nút giao thông Ngã Tư Sở: Cần tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức tự giác hơn nữa cho người dân
Việc người dân khu vực này “thờ ơ” với hầm bộ hành là do ý thức tham gia giao thông rất kém. Hễ không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông là người đi bộ không sử dụng hầm và nhanh chóng vượt đường. Các lỗi vi phạm này do cảnh sát giao thông xử phạt, còn các nhân viên bảo vệ chỉ có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn người dân qua đường bằng hầm. Rõ ràng, việc cảnh sát giao thông ít xuất hiện tại khu vực này là một trong những nguyên nhân khiến người dân ngang nhiên phạm luật. Công trình hầm đường bộ này do phía Nhật Bản thi công, nên rất khoa học, nếu tập trung quan sát, đi theo đúng chiều quy định, thì dễ dàng tìm thấy hướng mình cần đi. Song, thực tế có nhiều người đi ngược chiều biển chỉ dẫn; có người lại không chịu quan sát biển chỉ dẫn, nên việc xác định hướng rất khó khăn. Do vậy, cần phải tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức tự giác hơn nữa cho người dân.
Trưởng phòng Quản lý giao thông (Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội - Sở GTVT) Nguyễn Tiến Lộc: Công tác bảo vệ, quản lý gặp không ít khó khăn
Nhiệm vụ của đơn vị quản lý các hầm đường bộ là đảm bảo vấn đề an ninh, vệ sinh và cấp điện cho các hầm. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý hệ thống hầm bộ hành của đơn vị gặp không ít khó khăn. Một số hầm đang bị xuống cấp nghiêm trọng, bị hỏng hóc, ngấm nước... đây là lỗi do khâu thi công, đơn vị cũng đã liên hệ với nhà thầu. Mặc dù vậy cũng khó xác định nguyên nhân do toàn bộ lòng hầm đã đổ bê tông liền khối và ốp gạch kiên cố, nên chỉ phán đoán để tiến hành khắc phục. Công tác đảm bảo an ninh trong hầm cũng còn nhiều khó khăn do an ninh khu vực này rất kém, mỗi hầm dài 100 m chỉ bố trí được một nhân viên bảo vệ, không thể hạn chế tối đa sự thiếu ý thức của nhiều đối tượng trộm cắp, vứt rác, đập vỡ gạch bừa bãi... trong bối cảnh đìu hiu thiếu khách bộ hành.
GS. TSKH Nguyễn Văn Quảng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng: Xây dựng cầu vượt bộ hành cần xem xét bài toán kinh tế
Hệ quả lãng phí của một loạt cầu vượt bộ hành dọc quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng hiện nay là bài học cần cân nhắc. Hà Nội sẽ cần nhiều cầu vượt, nhưng các cơ quan liên quan nên nghiên cứu kỹ khi xây dựng thêm cầu bộ hành cho Hà Nội, bởi đây không chỉ là bài toán về giao thông mà còn là bài toán về tiết kiệm kinh tế. Hà Nội mở rộng về địa giới hành chính, giao thông Hà Nội cũng rộng lớn và đa dạng hơn rất nhiều so với trước, rất cần các dự án mới về giao thông như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, đường trên cao... Do đó, cầu vượt bộ hành được xây dựng đúng tuyến đường sẽ tạo ra được lối đi riêng và an toàn cho người đi bộ, nhưng nếu không đồng bộ giữa các tuyến đường sẽ dẫn đến sự lãng phí khi bị phá bỏ, chưa kể đến sự khập khiễng với quy hoạch phát triển chung của Thủ đô.