Nam bộ là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Trong suốt một thế kỷ hình thành, nhiều thế hệ người dân Nam bộ đã cùng sống và đam mê hết mình với nghệ thuật cải lương. Thế nhưng, thời vàng son của nghệ thuật cải lương hiện chỉ còn trong tâm thức của nhiều người. Nghệ thuật cải lương đang đối mặt với những khó khăn từ việc thu hút khán giả cho đến thiếu vắng đội ngũ trẻ kế thừa.
Trích hoạt cảnh Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" của Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. |
“Loay hoay” tìm khán giả Hơn 20 năm qua, sân khấu cải lương khu vực Nam bộ và cả nước nói chung đứng trước sức ép cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí, gameshow truyền hình thực tế, khiến số lượng khán giả đến sân khấu ngày càng sụt giảm. Ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi từng được xem là “thánh địa” của nghệ thuật cải lương cũng dần thưa vắng người xem từ những năm đầu thế kỷ 21.
Theo thống kê hiện nay các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn lại khoảng 7 đoàn cải lương như Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Tây Đô (Cần Thơ), Long An... Tuy nhiên, các đoàn này chỉ diễn ở rạp vài buổi, sau đó đi lưu diễn các tỉnh, thành phố khác. Một số đoàn khác hoạt động thưa thớt, chủ yếu phục vụ theo phong trào, biểu diễn gây quỹ từ thiện dựa trên chỉ tiêu hoạt động của địa phương.
Trong số đó, Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả. Dù vậy, theo đại diện của Đoàn, hàng năm đoàn được UBND tỉnh Long An cấp 100% kinh phí hoạt động từ ngân sách của tỉnh, trong đó có 120 suất diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và các ngày lễ lớn. Tuy nhiên so với thời gian những năm 1990, mỗi suất diễn có đến hơn 1.000 khán giả, hiện nay chỉ còn vào khoảng vài trăm người.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm văn hóa, kinh tế của cả nước, việc thu hút khán giả đến rạp xem hát cải lương cũng gặp không ít khó khăn. Với mong muốn quay lại thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương trong những năm 1990, vào năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo mới trên nền rạp Hưng Đạo cũ. Nhưng đáng tiếc khi cơ sở mới hoàn thành vào năm 2015 lại không thể đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong hoạt động tổ chức biểu diễn sân khấu cải lương. Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân là do sân khấu quá nhỏ, không gian hậu trường chật hẹp, không phù hợp với biểu diễn sân khấu cải lương… Dù vậy, Ban Lãnh đạo và diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - đơn vị tiếp quản cơ sở mới vẫn cố gắng thích nghi, duy trì hoạt động biểu diễn.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút khán giả đến rạp xem trong khi cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho diễn viên biểu diễn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ “thánh địa cải lương” của thành phố phải sáng đèn.
Thiếu vắng đội ngũ diễn viên cải lương trẻ Bên cạnh số lượng khán giả đến rạp ngày càng giảm, giới chuyên môn còn lo ngại về công tác phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương hiện nay bởi thiếu hụt đội ngũ diễn viên trẻ chuyên nghiệp và lực lượng sáng tác cải lương.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, công tác đào tạo nghệ sĩ cải lương tuy có cố gắng nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Các khoa chuyên ngành đào tạo diễn viên, nghệ sĩ sân khấu cải lương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh viên. Một phần do từ thực tế sân khấu cải lương hiện nay có quá ít khán giả quan tâm, dẫn đến các nghệ sĩ cải lương không thể "sống" trọn vẹn với nghề. Thêm vào đó, giáo trình giảng dạy nghệ thuật sân khấu cải lương lạc hậu, chưa cập nhật được xu hướng mới của thời đại.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, để đáp ứng được nhu cầu hiện nay trong xu thế hội nhập và phát triển đòi hỏi nội dung giáo trình giảng dạy phải được nâng cao. Cần có nhiều giáo viên có trình độ, kinh nghiệm biểu diễn sân khấu tham gia vào giảng dạy và sinh viên có thêm nhiều giờ học chuyên môn.
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, đáng buồn là có những sinh viên đã định hướng theo nghề sân khấu cải lương nhưng lại thiếu đầu tư về kiến thức văn hóa, lịch sử nghệ thuật dân tộc. Nếu không có kiến thức nền, các bạn trẻ rất khó sáng tạo, phát huy khả năng làm nghề của mình một cách lâu dài.
Cùng với việc thiếu đội ngũ diễn viên kế thừa, cải lương còn đối mặt với thực trạng khủng hoảng kịch bản do lực lượng sáng tác ngày một thưa dần. Trước đây, giới nghiên cứu lịch sử cải lương Nam bộ từng ghi nhận hơn 50 tác giả hùng hậu như Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền, Năm Châu, Ba Phát, Bảy Nhiêu… Tuy nhiên, hiện nay có hơn 80% kịch bản cải lương phải vay mượn từ kịch bản kịch nói. Đội ngũ sáng tác cải lương chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nổi bật như: Hoàng Song Việt, Lê Duy Hạnh, Triệu Quang Vinh, Triệu Trung Kiên, Lê Chí Trung…
Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đến nay, chúng ta chưa có giáo trình đào tạo đạo diễn cải lương mà chỉ có đạo diễn kịch tay ngang sang làm cải lương, do vậy, tình trạng cải lương bị “kịch hóa” đã và đang diễn ra.