Thể loại tranh khắc gỗ truyền thống không hề xa lạ với công chúng trong thời gian gần đây, song sử dụng thể loại “hoài cổ” này để kể với khán giả hôm nay những câu chuyện về thời cuộc thì vô cùng hiếm.
Bản khắc gỗ chân dung nông dân. |
Trong bối cảnh đó triển lãm Kịch bản đương đại của họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang là một cách làm thú vị. Triển lãm sẽ khai mạc vào ngày 27/11 tới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, HN)
Phần thứ nhất của triển lãm sẽ giới thiệu chùm 10 bức tranh khắc gỗ, thể hiện hình ảnh chú Tễu dưới dạng một thương lái, một doanh nhân hay một người nông dân với nụ cười vô ưu. Nhưng lồng ghép vào đó là những vấn đề mang tính thời cuộc. Chẳng hạn người nông dân ấy với nụ cười vô ưu của chú Tễu ấy lại đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình - hình ảnh “cây đa bến nước sân đình” - ngay nơi chợ quê. Điểm nhấn của triển lãm là một sáng tác sắp đặt tiêu đề Thở. Trên 30m2 nền với một số chất liệu được xử lý tinh tế, đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi trên những hình chiếc xẻng.
Đây là một tác phẩm có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn hơn về số phận của cánh đồng - cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/12.