Cũng trong tháng 8/2011, Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole – ông Kai Speth và Giám đốc Kỹ thuật đã cho khoan một lỗ rộng một mét vuông ngay trên nóc hầm và phát hiện diện tích hầm rộng chừng 40 mét vuông.
Ở đây, họ tìm thấy một chai rượu cũ, những chiếc bóng đèn vẫn còn nguyên vẹn, ống dẫn khí, những dấu viết vẽ trên tường và đâu đó trong không gian này còn phảng phất dấu ấn của cuộc chiến tranh đã kết thúc gần bốn thập kỷ, gợi lại ký ức về hầm trú ẩn này qua những trận bom khốc liệt mùa đông năm 1972.
Cánh cửa hầm bằng sắt rất kiên cố nhằm chống bom. |
Hiện căn hầm rộng 40 m2 đã được bảo tồn nguyên trạng. Metropole còn bố trí khu trưng bày 110 năm lịch sử của khách sạn dọc theo 18 m hành lang, bao gồm 13 bảng ghi lại hình ảnh phục hồi của khách sạn từ những ngày đầu mở cửa, hơn 300 vị khách nổi tiếng từng nghỉ tại khách sạn, như: vua hề Charlie Chaplin, diễn viên Jane Fonda, ca sĩ Joan Baez hay diễn viên Angelina Jolie...
Được biết, trong ngày mở cửa hầm trú bom sắp tới sẽ có nhiều vị khách quốc tế từng trú ẩn dưới hầm tham dự. Trong đó có Bob Devereaux, nhà ngoại giao Australia, người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm vào năm 1975. Cuối năm 2011, Devereaux tình cờ đọc bài báo tại Australia viết về việc phát hiện căn hầm này, ông đã liên lạc ngay với khách sạn Metropole Hà Nội và cho hay chính ông đã khắc tên mình lên tường hầm vào tháng 8/1975.
Căn hầm khi vừa được phát hiện ra vẫn còn ngập nước. |
Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội khai trương vào năm 1901 được coi là một trong các khách sạn chuẩn mực của châu Á. Ngày 7/4/1967, hình ảnh khách sạn Metropole đã xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Life. Tạp chí đã đăng hình ảnh một hàng hầm cá nhân sâu tới 1 mét rưỡi, ngay trên vỉa hè phía ngoài khách sạn, nay chính là quán cà phê La Terrasse mặt phố Lê Phụng Hiểu, tất cả đã tái hiện một phần cuộc sống của người dân thành phố Hà Nội trong thời gian bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá.
Nhà sử học Andreas Augustin, Chủ tịch Tổ chức các khách sạn nổi tiếng nhất thế giới nhận xét: Việt Nam nổi tiếng với công trình trú ẩn dưới lòng đất như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Mốc hay những căn hầm ở đài tưởng niệm chiến tranh như ở Khe Sanh. Đóng góp của khách sạn Metropole với di tích lịch sử này mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam.
Theo thethaovanhoa.vn