Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 2 do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đăng cai đã chính thức khai mạc tại Hà Nội tối 4/9. Cuộc thi năm nay thu hút 52 thí sinh đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia thi tài ở 3 bảng dành cho các lứa tuổi. Bảng A dành cho các thí sinh từ 10-13 tuổi; bảng B dành cho lứa tuổi từ 14-17 và bảng C dành cho thí sinh từ 18-25 tuổi.
Ngoài sự tham dự của các thí sinh nước chủ nhà Việt Nam đến từ Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh còn có các thí sinh đến từ các nước, vùng lãnh thổ gồm: Malaysia, Trung Quốc, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản.
NSND Đặng Thái Sơn trao học bổng cho ba thí sinh Việt Nam trong đó có Lưu Hồng Quang (thứ hai từ trái sang) tại cuộc thi Piano quốc tế lần thứ nhất năm 2010. Nguồn: Internet.
|
Ban giám khảo cuộc thi piano quốc tế lần thứ 2 gồm bảy người, ngoài giáo sư, nghệ sỹ nhân dân Trần Thu Hà là người Việt Nam còn có 6 vị giám khảo khác đến từ Hàn Quốc, Ba Lan, Mỹ, Pháp, Macedonia và Nhật Bản. Họ đều là các nhà sư phạm, nghệ sỹ biểu diễn nổi tiếng thế giới.
Cuộc thi còn có sự tham dự của nhạc trưởng Jacek Rogala (Ba Lan) và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội... Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn là Chủ tịch danh dự đồng thời là Giám đốc nghệ thuật của cuộc thi này đã gửi thư chào mừng tới các thí sinh. Trong thư nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn nêu rõ: "Cuộc thi đã thực sự trở thành sự kiện âm nhạc đầy ý nghĩa và bổ ích nhằm khích lệ, động viên thế hệ trong âm nhạc, giúp tương lai đất nước vươn lên, sánh vai với quốc tế".
Các thí sinh sẽ bắt đầu thi từ sáng 5/9 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ở bảng A, các thí sinh thi 2 vòng, bảng B thi 3 vòng và bảng C thi 3 vòng. Riêng với bảng B, năm nay có điểm khác so với cuộc thi lần thứ nhất, các thí sinh vào tới vòng III đều phải trình diễn concerto cùng dàn nhạc với các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc lừng danh thế giới. Ở cuộc thi lần đầu diễn ra năm 2010, phần trình diễn cùng dàn nhạc chỉ dành cho thí sinh ở bảng C.
Theo giáo sư, tiến sỹ Trần Thu Hà, Trưởng ban giám khảo Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 2: Sự thay đổi ở bảng B là hoàn toàn phù hợp với trình độ của các thí sinh dự thi tầm quốc tế và đây cũng là điểm mới, nổi trội hơn hẳn so với các cuộc thi âm nhạc trong khu vực hiện nay. Đồng thời tạo động lực, góp phần thúc đẩy nghệ thuật piano của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi piano quốc tế lần thứ 2 sẽ diễn ra tối 11/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài huy chương vàng, bạc, đồng và phần thưởng của Ban tổ chức dành cho các thí sinh xuất sắc còn có 3 giải thưởng của Hội Chopin Hà Nội; 3 giải thưởng của Tổ chức BFM Nhật Bản dành cho 3 thí sinh chơi thể loại cổ điển hay nhất ở cả 3 bảng. Nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn cũng có 3 giải thưởng dành riêng cho 3 thí sinh Việt Nam đạt kết quả cao nhất ở mỗi bảng, trị giá giải thưởng là 5.000 USD. Nghệ sỹ piano Thái Thị Sâm cũng sẽ tặng 2 giải thưởng dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vào vòng chung kết ở bảng A và B.
Công chúng yêu thích âm nhạc cổ điển có thể thưởng thức miễn phí các phần thi piano của thí sinh đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ tại phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ ngày 5/9.
Thanh Giang