Ấm áp Ngày thơ Việt Nam 2014

Trong hai ngày 13-14/2, hàng ngàn người yêu thơ tụ hội tại Văn Miếu – Quốc Tử-Giám, Hà Nội tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII năm 2014 bất chấp cái rét ngọt đầu xuân. Những ánh mắt, nụ cười và cả sự háo hức như làm ấm lên không khí Hội thơ ngày đầu xuân.

Có mặt trong dòng người nô nức tham dự hội thơ, bạn Trần Hoàng Lan, sinh viên Đại học Mở Hà Nội chọn dừng chân ở Khu vực Thiên Quang Tỉnh nơi diễn ra Triển lãm 50 năm lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Theo cô sinh viên người Hải Phòng này: đây là hoạt động văn hóa rất ý nghĩa với lớp trẻ, là cơ hội để họ thể hiện sự tri ân những anh hùng trên mặt trận văn hóa đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất của đất nước.

Qua đó, tấm lòng, nhiệt huyết và cả sự nghiệp của các nhà thơ như Thu Bồn, Bằng Việt, Lâm Thị Vĩ Dạ, Vũ Quần Phương… sẽ không chỉ được trình bày đẹp đẽ, trang trọng trên những tấm pa nô hoặc trong những ô tủ kính mà vươn cao, vươn xa vượt qua mọi không gian, thời gian đến với nhiều thế hệ mai sau.

Sân khấu thơ truyền thống. Ảnh: hanoimoi.com.vn


Sân Thái Miếu nơi diễn ra các phần trình diễn thơ, văn nghệ các tỉnh, thành phố và 26 Câu lạc bộ thu hút đông đảo khách thơ trong, ngoài nước. Hướng mắt lên sân khấu theo dõi tác phẩm “Có một khu rừng như thế” của Doãn Nho do thành viên Câu lạc bộ "Bài ca đi cùng năm tháng" trình diễn, ông John Foster, đến từ Vương quốc Anh hào hứng: tôi chưa bao giờ được thưởng thức một lễ hội thơ trang trọng, ấm áp như ở Văn Miếu của Việt Nam. Tới đây, tôi như được hòa mình với thơ văn, tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và được tiếp đón ân cần, chu đáo.

Sân thơ chính này như ấm áp hơn khi một đoàn “diễn viên nhí” của Trường mầm non Mai Ca xuất hiện xúng xính trong những tà áo dài truyền thống. Dõi theo hình bóng nhí nhảnh, đáng yêu đó còn có những đôi tình nhân đang tay trong tay và cả những cụ già râu tóc đã bạc phơ đang đàm đạo về thơ ca.

Không muốn bỏ qua lễ hội trong đại nhất của làng thơ Việt Nam, nhà thơ – cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mười, 84 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An có mặt tại Văn Miếu từ rất sớm. Lần ra Hà Nội này, ông đã chuẩn bị cả trăm bản in các bài thơ yêu thích là “Tiếng Bác Hồ vang vọng trời thu”, “Chúc mừng anh Cả Đại trường xuân”… để tặng bạn bè, người yêu thơ. Còn Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Cầu Giấy Vũ Hưng lại “dẫn theo” tới 2/3 hội viên đến Ngày thơ chỉ để chia sẻ niềm vui chung với các bạn thơ những ngày đầu xuân dù còn khá “ấm ức” vì Câu lạc bộ mình không có cơ hội trình diễn thơ.

Trong Sân thơ Trẻ, đôi bạn Nguyễn Văn Nhật và Phạm Thị Hải Yến, sinh viên đại học Thương Mại khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc vì được cùng nhau chia sẻ Lễ tình nhân qua những trang thơ dành cho giới trẻ.

Sôi nổi và “hút” khách không kém là hoạt động phát hành sách, đọc, tặng thơ, thư pháp… tại khu vực Vườn Giám. Tới đây, khách thơ sẽ lạc vào những quán thơ hương sắc trăm miền, bắt gặp những ông đồ già bên nghiên mực, thậm chí còn tìm lại được một số thi phẩm tưởng chừng thất lạc từ lâu.

Cách đó không xa, thành viên Câu lạc bộ nghệ thuật thư pháp Hương Nam, thầy Nguyễn Trần Đệ đang tiếp các bạn trẻ yêu thi pháp bằng chén trà nóng hổi và những câu chuyện về thi pháp ngày xuân. 

Chếch nghiên bút của thầy Đệ là Quán thơ của Câu lạc bộ Hồ Gươm. Trong không gian còn khiêm tốn của mình, Câu lạc bộ này vẫn dành khu vực trang trọng để tưởng nhớ cũng như tôn vinh những vần thơ đầy tính nhân văn của 3 hội viên đã mất. Cũng đến với hội thơ, nhà thơ Ái Nhân lại chọn cách phát hành tập thơ ”Gió liêu trai” để giúp những học sinh nghèo ở miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa có thêm nhiều “bữa cơm có thịt”.

Tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam được đắm mình trong không gian đậm chất thơ, du khách cũng được hít thở không khí trong lành và cùng nhau tham gia hoạt động giữ gìn, bảo vệ Di sản đặc biệt cấp quốc gia đồng thời là Di sản tư liệu thế giới này. 

Bác Cấn Thị Minh Thìn (phố Bạch Mai, Hà Nội) vui vẻ: tôi thật sự yêu thích cách trang trí cuả Ngày thơ năm nay. Không quá rườm rà, lòe loẹt mà rất nhẹ nhàng và có chiều sâu làm tôn lên cảnh quan vốn rất đẹp của Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Ngay tại Lễ khai mạc Ngày thơ, sáng 14/2, cùng với việc thực hiện nghi lễ thả thơ, Ban tổ chức đã làm thêm nhiều bản in 50 câu thơ được thả để tặng lại các tác giả và bạn yêu thơ. Hoạt động này góp phần tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã khuất, tri ân những nhà thơ đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp thơ văn, đồng thời tạo sợi dây kết nối giữa các nhà thơ với nhau và với các bạn trẻ yêu thơ.

Tiếng trống hội thơ đã điểm như thúc giục những khách thơ còn đang động lòng bởi những hành động, cử chỉ đẹp đẽ trong ngày xuân. Như để người yêu thơ thêm ấm lòng, n hà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bật mí: s ang năm 2015 , Hội Nhà văn Việt Nam chủ trương đưa thơ đến những nơi khó khăn mà ở đó thi ca dường như khó đến nhất nhưng lại cần thi ca nhất để mọi người đều được giao lưu, chia sẻ không khí của thi ca trong ngày xuân. Đó là các trại giam, các trung tâm cai nghiện xã hội... Hội cũng có kế hoạch về thơ quảng trường , nghĩa là trình diễn thơ tại những điểm công cộng như trước Nhà hát Lớn Hà Nội , quảng trường Cách mạng Tháng 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) , các trường đại học… để thơ ca được thỏa sức lan tỏa.

Chia tay Ngày thơ Việt Nam 2014 với lượng sách, tranh chữ, thơ không nhỏ trên tay, đa số khách thơ đều mong muốn năm sau sẽ được trở lại với Ngày thơ, với Văn Miếu-Quốc Tử Giám để hòa mình vào thơ, chứng kiến thêm nhiều hành động đẹp đẽ, ấm áp trong sự kiện trọng đại nhất của làng thơ Việt.


Mỹ Bình

Hứa hẹn nhiều bất ngờ trong Ngày thơ Việt Nam

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII năm 2014 sẽ được tổ chức trong hai ngày 14 và Rằm tháng Giêng (13 - 14/2/2014), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN