Âm nhạc hòa sắc cam giúp vận động chấm dứt bạo lực với phụ nữ, trẻ em

Tối 4/12, tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Chương trình nghệ thuật “Âm nhạc hòa sắc cam - We Together Music Concert” đã được tổ chức với chủ đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vận động chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.

Sự kiện do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Chính phủ Australia.

Chương trình nghệ thuật có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, người sáng tạo nội dung Youtube (Youtuber), Vlogger được nhiều người biết đến như Minh Vương M4U, Vũ Duy Khánh, Trung Trần, Nguyễn Trần Trung Quân, Duy Khoa, AlexD Music Insight, VAnh... Hưởng ứng chương trình, đông đảo học sinh, sinh viên, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia biểu diễn, góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong không gian âm nhạc, nhiều cung bậc cảm xúc đến từ những ca khúc như "Mẹ tôi", "Cha và con gái", "Em sẽ là cô dâu", "Mẹ tuyệt vời nhất"... như sợi dây ngôn ngữ gắn kết mọi người, truyền tải thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. 

Chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực giới (25/11 - 10/12) và Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (15/11 - 15/12).

Tại chương trình, yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột được các nghệ sĩ tái hiện, nhấn mạnh qua từng phần trình diễn cho thấy bạo lực có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi địa điểm, dưới mọi hình thức và đang xảy ra đối với hàng triệu trẻ em và phụ nữ.

Trên toàn cầu, mỗi năm có một tỷ trẻ em phải hứng chịu bạo lực dưới nhiều hình thức. Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020 - 2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy có hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bằng hình thức bạo lực như bạo lực về tinh thần, thể chất, bị bỏ bê...; không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn để lại ám ảnh dai dẳng đến suốt cuộc đời.

Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, có 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm, kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra. Bạo lực thường bị giấu kín, bởi 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc bị bạo lực.

V.Đ (TTXVN)
Lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Ngày 2/12, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Chốn an toàn” và khai mạc Triển lãm Chạy trốn “chốn an toàn”, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN