Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo và ông Lee Young-Cheol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan (Hàn Quốc) chủ trì cuộc họp.
Di tích Gò Danh Sang thuộc Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo sẽ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan và Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa Joseon (Hàn Quốc), khai quật khảo cổ di tích Gò Danh Sang. Theo Quyết định số 3643/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian khai quật 60 ngày từ ngày 29/11/2023 đến 23/1/2024. Diện tích khai quật là 300 m2; gồm 3 hố, mỗi hố 100 m2.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo cho biết: Công tác khai quật khảo cổ nhằm kiểm tra quy mô phân bố di tích và đặc điểm, tính chất phân bố của nhóm cư dân văn hóa Óc Eo sinh sống ở hướng Đông Nam khu vực chân núi Ba Thê. Từ đó đánh giá vai trò, vị trí của hệ thống các di tích ở khu vực này trong không gian chung của Khu di tích khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê và có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy hoạch theo yêu cầu của Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS), trong việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới đối với Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê.
Ông Lee Young- Cheol, Giám đốc Viện nghiên cứu Di sản văn hóa Daehan nhấn mạnh: Gò Danh Sang liên quan nhiều đến vấn đề tôn giáo rất phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của Hàn Quốc. Việc phối hợp khai quật khảo cổ di tích Gò Danh Sang sẽ góp phần sớm đưa Di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê An Giang trở thành Di sản Văn hóa thế giới.
Theo Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang: Toàn bộ kinh phí thực hiện khai quật khảo cổ di tích Gò Danh Sang và nghiên cứu khoa học do các tổ chức khoa học của Hàn Quốc tài trợ. Chương trình là một phần trong dự án hợp tác nghiên cứu chung của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo với các tổ chức khoa học của Hàn Quốc nhằm xác định vai trò của cư dân cổ ở đồng bằng hạ lưu sông Mê Kông và miền Nam bán đảo Triều Tiên đối với con đường thương mại hàng hải thời cổ đại bằng cách khôi phục lại đời sống của các nhóm dân cư cổ từ các cuộc khai quật khảo cổ học ở An Giang và một số địa điểm khảo cổ cùng thời đại ở Hàn Quốc.
Kết quả từ cuộc khai quật khảo cổ học sẽ là cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức trong việc thực hiện các chương trình triển lãm quốc tế và xuất bản ấn phẩm nhằm quảng bá Di sản văn hóa Óc Eo, An Giang ra thế giới.