Xem clip một số hình ảnh ấn tượng tại Lễ rước nước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn:
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng của người dân miền biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Lễ hội có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại vương, vị thần cai quản vùng non nước nơi đây.
Trong đó, Lễ rước nước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được thực hiện vào ngày 7 tháng 8 Âm lịch - mở đầu cho chuỗi các sự kiện tại lễ hội. Nước từ mạch nước nguồn không bao giờ cạn Suối Rồng được dẫn về từ khu vực Đền Nghè, phường Vạn Hương, sẽ được rước về các đình thờ thành hoàng của các làng (nay là các phường tại khu vực quận Đồ Sơn).
Dòng nước mát trong từ mạch nguồn thiêng được lựa chọn làm lễ vật dâng lên các bậc tiền nhân có công khai sơn, phá thạch, lấn biển, mở đất với mong muốn cầu cho cả năm mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an.
Theo người dân địa phương, lễ rước nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các phường có trâu chọi, bởi đây là nghi lễ mở đầu cho các nghi lễ xin phép trước khi “ông trâu” tham gia vào lễ hội chọi trâu diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch).
Sau lễ rước nước, tại các phường sẽ thực hiện nghi lễ dâng hương, thượng cờ lễ hội, lễ tế tại các đình thờ thành hoàng của các phường trước khi bước vào ngày lễ quan trọng nhất là lễ hội chọi trâu.
Lễ hội chọi trâu truyền thống chính thức được khôi phục vào năm 1990. Kể từ đó, người dân miền biển lại náo nức mỗi kỳ lễ hội được tổ chức trên quê hương mình.
Trải qua 33 năm khôi phục, lễ hội được Tổng cục du lịch công nhận là một trong 15 lễ hội lớn tiêu biểu của cả nước năm 2000 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2012.
Cứ đến dịp lễ hội, người dân Đồ Sơn lại háo hức chờ mong lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ, chinh phục thiên nhiên, chế ngự kình ngư và thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân miền biển.