Triển khai hai bộ quy tắc ứng xử:

Bài 2: Ứng xử văn hóa tại chung cư vẫn là khoảng trống

Với đô thị lớn như Hà Nội, khi ngày càng nhiều chung cư cao tầng mọc lên thì việc việc áp dung quy tắc ứng xử nơi công cộng càng cấp thiết, nhất là khi liên quan đến không gian chung.

Vẫn thiếu quy ước về không gian chung

Hà Nội có 8 cụm, tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, trong đó có những cụm, tòa nhà có dân số bằng cả một xã ngoại thành. Nhiều thành phần với nhiều phông văn hóa khác nhau cùng sinh sống tại cùng một tòa nhà đã khiến nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là sử dụng không gian chung, đảm bảo môi trường, cảnh quan.

Chung cư thấp tầng CT1A (Xuân La, Tây Hồ) đã đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa thành lập ban quản trị nên vẫn thực hiện theo nội quy của chủ đầu tư đưa ra từ đầu và tự thỏa ước với nhau sau vài lần họp nhưng không phải ai cũng nhất trí nên đã nảy sinh nhiều tồn tại trong việc mắc đồng hồ nước, điện vẫn chưa được giải quyết.

Tình trạng vứt rác, tàn thuốc vào chậu cảnh tại khu chung cư CT1A Xuân La (Tây Hồ)

Đặc điểm của tòa nhà này là có khoảng 1/4 là gia đình thuê trọ nên tư tưởng cũng rất tạm bợ, có những người khi mới đến vứt nguyên cả cái đệm và bìa cát tông xuống ống thu rác gây tắc ống, khiến rác ùn ứ. Khi các hộ ở tầng trên thấy bốc mùi khó chịu mới phát hiện một hộ mới chuyển đến vô ý thức vứt rác như trên”, ông Nguyễn Văn Thân, trưởng khối nhà CT1A cho biết.

Không những vậy, có những người vô ý thức vứt tàn thuốc lá, rác dọc cầu thang, bồn cây cảnh gây mất vệ sinh môi trường. Thậm chí có hộ làm chè ướp sen sáng nào cũng bày hoa sen ra hết hành lang của tầng để làm, ảnh hưởng không gian chung, đi lại.

Còn bà Thanh Bình sống tại chung cư Vinaconex 3 (Trung Văn, Nam Từ Liêm) kể: Tại tầng 3 tòa nhà có đôi vợ chồng Tây thuê nhà thường xuyên cãi nhau ầm ĩ ảnh hưởng tới hàng xóm. Thậm chí có hôm, hai vợ chồng cãi nhau, đánh nhau ở cả hành lang khiến bảo vệ phải can thiệp. Dù khu phố đã góp ý, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

“Có những hộ kinh doanh thủy sản tại tầng 17 làm dây bẩn, bốc mùi tại hành lang, cầu thang sau khi được góp ý cũng đã chấp hành quy tắc nội quy của khu dân cư. Đó là chưa kể tình trạng có gia đình dỗ trẻ nhỏ ăn đưa vào thang máy bấm lên bấm xuống ảnh hưởng lớn sự toàn cũng như việc đi lại của cư dân”, bà Thanh Bình cho biết.

Tại nhiều khu chung cư cũng xuất hiện các dịch vụ bán hàng phục vụ cho chính cư dân trong tòa nhà như spa, đồ lưu niệm, bán mỹ phẩm, quần áo... Tại khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), mọi người dễ bắt gặp gặp biển quảng cáo về giặt là, bán tạp phẩm, đồ ăn… Bà Đinh Hồng Dung (tòa nhà B3D, khu Nam Trung Yên) cho biết: Nhiều hộ tại đây là những hộ bị thu hồi đất các dự án, có kinh doanh bán hàng nên khi chuyển về sống tại chung cư họ cũng mở cửa hàng ngay chính căn hộ của mình. Việc mở cửa hàng phục vụ chính nhu cầu của cư dân nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan, vệ sinh môi trường tòa nhà nếu không được kiểm soát.

“Các công trình hạ tầng kỹ thuật tại chung cư như chỗ gửi xe, thang máy được thiết kế và xây dựng để phục vụ cho người dân sống tại chung cư với số lượng nhất định. Hơn nữa kiến trúc của các căn hộ tại chung cư thiết kế với mục đích để ở nên khi chuyển sang kinh doanh sẽ làm thay đổi công năng. Nếu nhiều khách hàng ra, vào các cửa hàng trong tòa nhà sử dụng các dịch vụ này, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải”, kiến trúc sư Vũ Hồng Lĩnh nhận định.

Nội quy vẫn mỗi nơi một phách

Hiện nội quy quản lý tòa nhà chung cư có nhiều hình thức khác nhau phụ thuộc vào chủ đầu tư hoặc sự vận hành của các ban quản lý. Nếu chung cư chưa bàn giao thì nội quy do chủ đầu tư dự án đưa ra, còn nếu đã thành lập Ban quản trị tòa nhà sẽ do cộng đồng dân cư họp lại thống nhất thông qua.

Chú thích ảnh
Chung cư Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội)

Khảo sát của Sở Xây dựng cho thấy, nếu chung cư nào làm chặt chẽ, quy định rõ ràng về nội quy và giám sát sẽ thực hiện khá quy củ. Chị Phương Thảo tại khu chung cư Tràng An Complex (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết: Sau những lùm xùm về phóng cháy chữa cháy dịp đầu năm nay, cộng đồng dân cư tại đây đã thành lập Ban quản trị và có nội quy quản lý tòa nhà. Bên cạnh việc thu phí theo quy định, khâu vệ sinh môi trường trật tự được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, tất cả các tầng đều có camera giám sát nên nếu nhà nào để rác sai quy định đều được bảo vệ đến tận nơi nhắc nhở. Những nhà nào có vật nuôi cũng không được để vật nuôi nằm ở hành lang, tất cả đều được lưu lại và nhắc nhở hàng ngày. Do đó, không gian chung được tôn trọng tối đa.

Anh Phạm Văn Lâm, Phó Ban quản trị tòa nhà Momota (quận Hoàng Mai) cho biết: "Hiện không có mẫu chung nào quy định áp dụng nội quy của tòa nhà, Tuy nhiên, khi họp ban quản trị chúng tôi lấy ý kiến góp ý của người dân dựa trên các quy định hiện có của Nhà nước như thông tư 02/2016/TT-BXD, ngoài ra chúng tôi tham khảo xây dựng nếp sống văn hóa của bộ áp dụng quy tắc ứng xử nơi cộng cộng với những quy ước chung như Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng; Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực; Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường…. Việc phổ biến được thực hiện nay khi cư dân đến ở, nếu vi phạm nhắc nhở để cùng nâng cao ý thức của từng cá nhân, gia đình vì cộng đồng".

Chị Diệu Linh, cư dân tòa nhà CT1A Xuân La (Tây Hồ) cho biết: "Chúng tôi rất muốn thành lập Ban quản trị để có nội quy cụ thể để có trách nhiệm chung với không gian chung. Thực tế hiện nay, khi có những bất cập phát sinh đều báo bảo vệ hoặc trưởng khối nhà để giải quyết. Nếu có nội quy thì việc giải quyết sẽ thuận lợi hơn. Cư dân tòa nhà đã vài lần họp kiến nghị chủ đầu tư và chính quyền sở về thành lập Ban quản trị nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Cầu Giấy cho biết: Là quận ven đô có nhiều khu chung cư nên trong đợt sinh hoạt tọa đàm vừa qua tại quận Cầu Giấy, các tòa nhà chung cư thuộc đơn vị tổ dân phố sẽ thông qua tổ dân phố đề xuất kiến nghị về xây dựng quy ước của chung cư theo đặc điểm và nhu cầu của mỗi nơi. Nếu đơn vị nào thấy nội quy hiện tại đã phù hợp thì tiếp tục thực thi, đơn vị nào chưa thấy phù hợp sẽ tiếp tục bổ sung. Trong đó, trước mắt từ cấp quận, phường cùng đẩy mạnh tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử, thông qua tổ dân phố, ban quản trị chung cư để người dân nâng cao nhận thức.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (Tây Hồ) cho biết: Tại các khu chung cư chưa thành lập Ban quản lý và bàn giao cho phường có những khó khăn trong quản lý dân cư. Muốn truyền đạt những nội dung của phường thì vẫn qua chủ đầu tư. Trong khi những vướng mắc phát sinh liên quan đến làm sổ hồng, diện tích chung riêng… khi có kiến nghị của cư dân, phường vẫn phải xử lý thông qua tổ dân phố đảm bảo quyền lợi của người, nhất là vấn đề trật tự, vệ sinh môi trường.

Nội quy của một khu chung cư.

Tại phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội mới đây về quản lý chung cư, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND Hà Nội đặt câu hỏi về công tác tuyên truyền, vận động ứng xử văn hoá tại các nhà chung cư được thực hiện như thế nào? Chừng nào người dân và chủ đầu tư chưa thể bình tĩnh ngồi lại với nhau thì những vướng mắc còn tồn tại. Vậy giải pháp nào cho dấu hỏi ứng xử có văn hoá tại các nhà chung cư đối với cả chủ đầu tư lẫn người dân?

Cùng với đó là hàng loạt câu hỏi về bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị, quy chế thu chi của Ban quản trị, công tác phòng cháy chữa cháy, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng bị chiếm dụng... Mâu thuẫn lớn nhất tại các nhà chung cư là quyền lợi diện tích chung và riêng giữa cư dân và chủ đầu tư dẫn đến nhiều vụ kiện cáo, đơn thư kéo dài.

Giải pháp cho việc ứng xử có văn hoá tại các nhà chung cư cần sự nỗ lực của cơ quan chức năng thành phố, chính quyền sở tại , trong đó có cả việc triển khai bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng sớm được cụ thể hóa vào nội quy, quy ước của các tòa nhà chung cư.

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý đến văn hóa chung cư của Hà Nội khi triển khai bộ quy tắc ứng xử bởi đây là một trong những đặc trưng của đô thị lớn. “Sống tại chung cư cũng như ở tập thể trước đây. Nếu không có văn hóa, có  nhà mà cứ gõ ầm ầm sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm và sẽ khó sống với nhau, nảy sinh cãi vã và xã hội không bình yên”, bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý. 

Xuân Cường/Báo Tin tức
Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch sởi, sốt xuất huyết
Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch sởi, sốt xuất huyết

Chiều ngày 14/8, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch thì có nguy cơ bùng phát dịch sởi, sốt xuất huyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN