(Tin Tức) - Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều nhà xuất bản đang chuẩn bị cho ra mắt những sản phẩm băng đĩa ca nhạc, đĩa hài… để phục vụ công chúng. Nhưng đây cũng chính là thời điểm "kiếm ăn" của các đối tượng sao chép, phát hành băng đĩa lậu.
Lao đao vì đĩa lậu
Các hãng như Hồ Gươm Audio Video, Trung tâm nghe nhìn Hà Nội và các hãng sản xuất lớn phía Nam đã nhập những dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng đĩa, nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là chi phí lại đội lên. Có hãng cài đặt chương trình chống in sao nhưng lại bị ăn cắp bằng cách sao lại từ màn hình ti vi… Bởi vậy, cuộc chiến với vấn nạn băng đĩa lậu vẫn còn nhiều gian nan.
Các cửa hàng bán băng đĩa lậu vẫn tràn lan.Ảnh: Lê phú |
Nhạc sỹ Lương Dũng, Giám đốc Nhà xuất bản Âm nhạc Việt Nam bức xúc: "Vấn nạn băng đĩa lậu hiện nay là bức xúc của xã hội, đặc biệt là những người làm công tác xuất bản. Để cho ra đời một đĩa nhạc, chúng tôi phải đầu tư từ nhuận bút, tác giả, phối khí, nguyên liệu đầu vào, đầu ra, đóng thuế, chi phí quảng bá sản phẩm… Chúng tôi bán khoảng 20.000 đồng/đĩa CD, nhưng băng đĩa lậu chỉ 5.000 - 7.000 đồng/chiếc. Còn đĩa DVD phải bán tối thiểu từ 35.000 đồng trở lên. Sản xuất bài bản vậy, nhưng sản phẩm của chúng tôi lại bị đè bẹp bởi băng đĩa lậu".
Mặc dù các cơ quan, ban, ngành có tiến hành kiểm tra, tịch thu và xử phạt, nhưng băng đĩa lậu vẫn tràn lan, khiến những nhà sản xuất chân chính rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười". Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio - Video, cho biết: "Trung bình một chương trình audio, chúng tôi đầu tư khoảng 100 - 200 triệu đồng, còn quay hình thì khoảng 200 - 300 triệu đồng. Nhưng khi đĩa vừa phát hành, lập tức xuất hiện đĩa sao chép, khiến chúng tôi bị thiệt hại rất lớn. Trước đây, Trung tâm hoạt động rất tốt, thời gian gần đây chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng và hầu hết là chuyển sang làm dịch vụ phát hành album cho ca sỹ".
Khó xử phạt
Đã gần 3 tháng kể từ khi Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa (thay thế các quy định tại Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006) có hiệu lực từ đầu tháng 9/2010, nhưng tình trạng sao chép đĩa lậu vẫn tràn lan. Điểm mới là ngoài các quy định xử phạt những người in, sao chép, bán và cho thuê băng đĩa lậu, Nghị định còn quy định xử phạt người mua băng đĩa lậu.
Theo quy định, khi đi kiểm tra các cửa hàng, nếu gặp người mua đĩa không tem, nhãn hoặc dán nhãn giả từ 10 cái trở lên sẽ phạt tiền với những mức phạt khác nhau. Nhưng trên thực tế, rất ít khi gặp người mua một lúc 10 đĩa, còn những người mua 9 đĩa có bị xử lý không?
Chị Thục Hằng, trú tại quận Long Biên (Hà Nội), đang chọn mua đĩa tại một cửa hàng cho biết: "Theo tôi, chỉ nên phạt người bán, người sản xuất băng đĩa lậu, chứ phạt người mua thì không dễ, vì muốn bắt được người mua thì lúc nào cũng phải có người đứng canh ở các điểm bán hàng. Mà nếu mua 10 đĩa mới bị phạt, thì họ sẽ chỉ mua 9 đĩa!".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Loan Mười thừa nhận: "Rất khó áp dụng vào thực tế vì người mua giờ nào người ta cũng đi, còn thanh tra chỉ làm trong giờ hành chính. Mình chỉ bắt quả tang khi thấy người ta vừa ra khỏi cửa hàng thì kiểm tra, còn người ta đang đi đường thì mình không thể lục soát. Hoặc người ta mua về để trong nhà sử dụng thì cũng khó kiểm tra, xử lý".
Hầu hết, những người làm công tác xuất bản đều cho rằng, việc giải quyết nạn băng đĩa lậu, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Theo nhạc sỹ Lương Dũng, để giải quyết được vấn nạn này, rất cần có sự phối hợp của các ban, ngành liên quan và sự hợp tác của người dân. Hệ thống pháp luật chặt chẽ, khung hình phạt nặng cho những đối tượng sao chép và bán băng đĩa lậu, công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên và việc xử phạt nghiêm minh hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là cần tuyên truyền thật tốt để người nghe - những người tiêu dùng sản phẩm văn hóa không mua băng đĩa lậu thì lúc đó, băng đĩa lậu sẽ khó tồn tại.
Hoàng Tuyết - Phương Lan