Theo đó, bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, thực hiện nguyên tắc “Tôn trọng”, các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng”, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Thực hiện các nguyên tắc “Yêu thương” và “Chia sẻ”, các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; ông bà, cha mẹ và con, cháu; anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung, có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại bộ tiêu chí này.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép.
Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em trong gia đình là hòa thuận, chia sẻ.