Bản quyền nhạc số: kẻ né, người đòi

Sự kiện đại gia nước giải khát Coca-Cola và Tập đoàn công nghệ Samsung quyết định dừng quảng cáo trên website zing.vn vì các cáo buộc vi phạm bản quyền được xem là bước thắng lợi mới trong cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.



Nếu chú ý một chút, những người thường vào mạng tìm, download nhạc sẽ đôi lúc nhìn thấy dòng thông báo trên trang kết quả của Google rằng đã có một số nội dung bị lọc bỏ vì vi phạm bản quyền kèm đường dẫn đến trang Đạo luật thiên niên kỷ về bản quyền kỹ thuật số. Nhiều clip nhạc trên mạng chia sẻ video YouTube không thể xem được mà chỉ có nội dung “Clip đã bị xóa vì có khiếu nại bản quyền từ XYZ...”.

Tấn công toàn cầu


Chỉ vài ngày trước đó (từ 1-10), luật pháp Nhật Bản đã ấn định hình phạt mới cho hành vi tải nhạc bất hợp pháp từ Internet là 2 năm tù hoặc nộp khoản tiền lên đến 2 triệu yen (25.000 USD). Trước nữa, hồi đầu tháng 9, Tòa án thành phố St. Paul (Minnesota, Mỹ) tuyên phạt bà Jammie Thomas-Rasset khoản tiền 220.000 USD vì đã download bất hợp pháp 24 ca khúc từ mạng chia sẻ file Kazza, kết thúc vụ án kéo dài hơn tám năm với tám lần kháng cáo.


Các nhà sản xuất, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Simon Cowell, Elton John, Robert Plant, Brian May, Lord Lloyd Webber cũng đã gửi thư đến Thủ tướng Anh David Cameron tố cáo Google và các đối thủ cạnh tranh tiếp tay cho tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Thậm chí dưới sức ép của các hiệp hội bản quyền, hãng băng đĩa, studio phim ảnh..., hai dự luật mang tên SOPA, PIPA từng được đệ trình ra Quốc hội Hoa Kỳ nhằm kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Cộng đồng châu Âu cũng từng phải tranh cãi quanh chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ra sao, đến mức độ nào.


Hiện nay, khi nhập từ khóa Trả lại thời gian - tên album Khúc tình xưa 2 của nữ ca sĩ Lệ Quyên trên các trang nhạc số lớn tại Việt Nam, người sử dụng sẽ nhận được thông báo nội dung đã bị khóa, xóa hoặc không tồn tại - hệ quả của việc Lệ Quyên ủy thác luật sư khiếu nại các trang này vi phạm bản quyền, yêu cầu bồi thường với số tiền lên đến 16 tỉ đồng.


Vào ngày 1-11, theo thỏa thuận đã ký giữa MV Corp. và sáu website nhạc online thì mỗi lượt download tác phẩm bất kỳ, khách hàng sẽ phải trả mức phí 1.000 đồng. Thông tư 07 (có hiệu lực từ ngày 6-8) đã cho phép Thanh tra Bộ VH-TT&DL yêu cầu cắt và ngừng đường truyền của các nhà cung cấp dịch vụ nếu phát hiện vi phạm...


“Vắt” thế nào con bò sữa nhạc số?


Cuối năm 2011, dự luật SOPA, PIPA của Mỹ, với nhiều điểm tương đồng thông tư 07 của Việt Nam, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các đại gia Internet. Wikipedia “tắt đèn” - tự đóng cửa trong 24 giờ, Google treo biểu ngữ ngay trên trang chủ, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng tỏ thái độ phản đối trên trang cá nhân. Hàng triệu chữ ký đã được thu thập để chống lại hai dự luật bị gọi là sẽ giết chết Internet.


Cuộc “biểu tình trực tuyến” chưa từng có trong lịch sử ấy đã ngăn Quốc hội Mỹ thông qua dự luật, nhưng những băn khoăn của các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam không thể ngăn cản hay đẩy lùi hiệu lực của thông tư 07. Chỉ cần thấy có nội dung vi phạm, thanh tra bộ đã có thể yêu cầu các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) cắt đường truyền của CP (nhà cung cấp nội dung số) dù các trang nhạc như Zing Mp3 hay Nhaccuatui, Nhạc số đều khẳng định có quy trình xử lý khiếu nại bản quyền và hứa giải quyết trong vòng 24 giờ. Trên thực tế hoạt động, nhiều trang mạng xã hội sẽ thực hiện bước xác minh, gỡ bỏ nội dung vi phạm, thậm chí khóa tài khoản của người đã đưa nội dung đó lên Internet. Đây là cách YouTube đã làm đối với các tác phẩm của nhóm HKT, bị phía Hong Kong cáo giác đánh cắp bản quyền.


Nhưng cũng phải sòng phẳng mà nói rằng dù mạnh mẽ tuyên bố tôn trọng bản quyền, dù có thể trưng ra các bản hợp đồng với các cơ quan quản lý tập thể quyền như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam hay với các nghệ sĩ, trên hệ thống của các trang mạng âm nhạc lớn tại Việt Nam vẫn chứa đầy rẫy tác phẩm vi phạm, đến mức không chỉ bị nghệ sĩ trong nước lên án mà cả thế giới cũng chỉ trích đích danh. Số tác phẩm có bản quyền theo đúng hợp đồng trên các trang này chỉ là phần rất nhỏ trong kho dữ liệu lên đến cả triệu bản ghi đang từng ngày được mang ra kinh doanh.


Mấu chốt của câu chuyện chưa và sẽ không bao giờ nằm trong câu hỏi có phải trả tiền không bởi câu trả lời đã quá rõ ràng. Vấn đề là người ta sẽ thương lượng với nhau ra sao để dung hòa lợi ích của các bên - chủ sở hữu - nhà phân phối - người sử dụng và liệu họ có thể thương lượng trên tinh thần thượng tôn luật pháp, tôn trọng tài sản của người khác hay chỉ chăm chú vào lợi ích cục bộ của mình. Nếu vắt sữa quá mạnh tay, con bò mang tên website nhạc số sẽ có thể chết. Nếu không vắt sữa, người nông dân - chủ sở hữu trí tuệ - sẽ chết. Ở nấc cuối cùng, người sử dụng sẽ có thể tìm mua, nghe đĩa lậu hoặc tiếp tục sao chép bất hợp pháp.


Để kết thúc cuộc chiến bản quyền đầy cam go, sẽ cần rất nhiều cái bắt tay chân tình và hiểu biết hơn là phải dắt díu nhau ra tòa hoặc sử dụng đến các thủ pháp hành lang.


Theo tuoitre.com.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN