Buổi lễ trao tặng tuy đơn giản, nhưng diễn ra trong không khí trang trọng và chân thành. Cảm động và bất ngờ với sự kiện đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam đến tận nhà để trao tặng chứng nhận, ông Jean-Marie Jacquemin chia sẻ: "Tôi rất vui khi thấy tài liệu, thành quả của quá trình sưu tập và biên soạn của tôi trong nhiều năm, đã được đón nhận một cách trân trọng và được đánh giá cao như vậy. Thật là tuyệt vời và giờ thì tôi không ân hận khi đã giữ gìn tất cả các tài liệu đó đến tận ngày nay. Sưu tập là đam mê của tôi và tôi cũng rất vui khi trao tặng lại cho các bạn và cho tất cả những ai muốn xem các tài liệu về Việt Nam mà tôi đã sưu tập. Điều này làm tôi rất hài lòng!".
Nhân dịp này, ông Jean-Marie Jacquemin đã giới thiệu tới đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam những bộ sưu tập quý hiếm của ông về tem thư và bưu thiếp liên quan đến báo chí Pháp và quốc tế. Được biết trong năm 2025, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, ông đã tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một bộ sưu tập ảnh bưu thiếp mô tả quy trình sản xuất một tờ báo Le Monde từ khâu viết bài, biên tập, hiệu đính đến khâu in ấn, phát hành và bán báo từ những năm 1970-1980 của thế kỷ trước.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho biết cuốn sách của nhà sưu tầm Jacquemin có giá trị rất quý giá vì đó là những tư liệu liên quan đến dư luận báo chí quốc tế đối với tiến trình đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam khi đó. Việc ông Jacquemin tặng Bảo tàng bộ bưu thiếp về quy trình sản xuất báo Le Monde là một món quà bất ngờ và vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm của ngành báo chí nước nhà.
Cuốn sách "19-1973 Verrières-le-Buisson: Bến bờ bình yên" là tuyển tập hàng trăm bài báo của Pháp và quốc tế, được ông Jacquemin sưu tập trong nhiều năm và in thành sách lần đầu tiên vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, sau đó được tái bản có bổ sung năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này. Các bài báo viết về chiến tranh ở Việt Nam và tiến trình đàm phán Hiệp định Paris, được coi là một trong những quá trình đàm phán kéo dài nhất thế kỷ 20, cũng như sự hiện diện của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ở ngôi nhà số 49, nay là 17 phố Cambacérès, thuộc thành phố Verrières-le-Buisson, trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris từ 19 đến 1973. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời, làm Trưởng phái đoàn.
Cuốn sách cũng dành một phần để nói về cuộc đấu tranh khác, gian nan, vất vả, dai dẳng và chưa có hồi kết của nhân dân Việt Nam chống lại hậu quả của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong quá trình tham chiến ở đất nước này. Các bài báo được sưu tầm từ nhiều báo và tạp chí của Pháp và quốc tế, với mọi xu hướng chính trị, từ cánh tả đến cánh hữu, có người phản đối, có người ủng hộ, nhưng đa số là ủng hộ hòa bình của Việt Nam.
Từng làm việc ở Nhà in báo Le Monde trong hơn 30 năm, ông Jacquemin là người đam mê sưu tầm sách báo, tài liệu và tem thư theo chủ đề, trong đó có rất nhiều bài báo về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Với tình yêu dành cho đất nước phương Đông xa xôi này và sự kính trọng đặc biệt đối với bà Nguyễn Thị Bình, cách đây 15 năm, ông Jacquemin đã nghĩ mình nên tập hợp lại các bài báo, tranh ảnh tư liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam và lịch sử sự gắn kết thành phố Verrières-le-Buisson với những người bạn Việt Nam, vốn là hàng xóm của ông trong giai đoạn đó. Và ông đã thực hiện ý tưởng trên cùng với những người bạn của mình.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023), Hội Lịch sử thành phố Verrières-le-Buisson đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh, ảnh tư liệu và những bài báo liên quan đến chiến tranh Việt Nam do ông Jean-Marie Jacquemin sưu tập.