Theo ông Tô Văn Động, những năm gần đây, TP Hà Nội đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội (VHTT Hà Nội) mời các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành xây dựng đề cương tổng quát và chi tiết cho phần trưng bày Bảo tàng Hà Nội.
Lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội cũng đã cùng với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các chuyên gia bảo tàng của Pháp và các nhà khoa học Việt Nam tập trung điều chỉnh lại phần trưng bày tổng thể và chi tiết.
Hiện nay, các chuyên gia đang tiến hành hoàn thiện thiết kế chi tiết cho phần trưng bày. Dự kiến đến tháng 10/2019, phần trưng bày sẽ được đảm bảo ít nhất từ 1 đến 3 nội dung.
“Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để phần trưng bày được thực hiện tốt nhất. Hy vọng, đến tháng 10/2019, Bảo tàng Hà Nội sẽ không còn cảnh ‘vườn không nhà trống’ nữa, mà cơ bản đảm bảo được 3/4 nội dung trưng bày, những nội dung còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tiếp theo”, ông Tô Văn Động nói.
Năm 2018, Sở VHTT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng: Nghị quyết của HĐND thành phố về Đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2018; Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đến năm 2010, định hướng đến năm 2050; Quy định về nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao…
Năm 2018, Hà Nội đã thành công trong việc đưa công tác tổ chức và quản lý lễ hội vào khuôn khổ. Mùa lễ hội 2018, Hà Nội không còn những điểm nóng, hình ảnh phản cảm như trong các lễ hội trước, như cướp lộc ở lễ hội Gióng ở Sóc Sơn, hay tranh giành khi phát lộc ở Chùa Hương…
Trong năm 2018, Hà Nội có 3 di tích gồm: Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa), đình So (huyện Quốc Oai), đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt…
Một trong những điểm nhấn của hoạt động văn hóa, thể thao Hà Nội năm 2018 là sau hơn 2 năm đàm phán, Hà Nội – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 thế giới – giải đua xe danh giá, danh tiếng trên thế giới.