Trong số tài liệu, hiện vật hiến tặng có: Sổ vàng Ban Liên lạc giải phóng chiến khu Vần tỉnh Yên Bái từ ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó trưởng Ban liên lạc; Bản thảo tập san và nhật ký chiến trường, Tiểu đoàn 1, Phai Khắt, E 246 do ông Nguyễn Ngọc Bái, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Yên Bái; các tài, hiện vật thời kỳ bao cấp của bà Nguyễn Thị Trang, Viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố Yên Bái và các ông, bà Ngô Thị Lộc, Phùng Thị Hà, Đoàn Thị Thu Phương, Đặng Quang Hiển, Vũ Ngọc Nghĩa...
Tại buổi tiếp nhận, ông Nguyễn Văn Ngọ 92 tuổi, Phó trưởng Ban Liên lạc giải phóng chiến khu Vần tỉnh Yên Bái cho biết, thành lập cách đây 70 năm, Ban liên lạc hiện chỉ còn 3 người, đều đã luống tuổi, do vậy, ông đã quyết định hiến tặng hiện vật để Bảo tàng tỉnh lưu giữ.
Tại buổi lễ, lãnh đạo, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh đã trân trọng cảm ơn, trao giấy chứng nhận cho tập thể, cá nhân đã hiến tặng hiện vật; đồng thời khẳng định đây là những tư liệu lịch sử rất quý trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những hiện vật này sẽ được Bảo tàng tỉnh Yên Bái lưu giữ để trưng bày, làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá về văn hóa, di sản gắn với con người, mảnh đất Yên Bái; góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi người dân trong tỉnh.
Chiến khu Vần là một căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống thực dân Pháp, có vai trò quyết định trong việc chuẩn bị lực lượng để đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở hai tỉnh Phú Thọ - Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La). Đây là nơi thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, nơi ra đời của Đảng bộ hai tỉnh này... Di tích lịch sử Chiến khu Vần đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1995.