Theo các nghệ nhân của làng, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1959, một số thợ gốm ở Thanh Hoá đã di cư về đây và mở một số lò gốm làm các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như nồi, niêu, chum vại. Từ đó, làng gốm Gia Thuỷ ra đời.
Nghệ nhân làng nghề Trịnh Văn Dũng, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan tạo hình gốm. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
Đến năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng gốm Gia Thủy vẫn giữ được nét riêng biệt bởi những sản phẩm đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế do những người dân nơi đây tạo nên.
Nghệ nhân làng nghề Nguyễn Thị Mai, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan cho biết, nét đặc trưng của gốm Gia Thủy được làm từ nguyên liệu đất sét có màu nâu vàng, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề mới có. Loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Đặc biệt, sản phẩm bình rượu bằng gốm có thể khử các chất độc hại gây đau đầu sau khi uống rượu và làm giảm nồng độ Methanol trong rượu, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Bà Mai chia sẻ, để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng, người thợ phải làm nhiều công đoạn và vai trò của công đoạn nào cũng quan trọng. Ngay cả những công đoạn tưởng chừng đơn giản như làm đất, nung lò cũng đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề, quan sát tinh tế và sáng tạo. Đầu tiên, người thợ lấy đất về phải phơi khô, đập nhỏ rồi cho vào bể ngâm. Sau đó, dùng máy quấy đều rồi múc lọc qua sàng, gạn bớt nước phía trên, lấy phần đất đông đặc phía dưới và mang ra phơi khô. Việc phơi đất cũng phải thật tỷ mẩn, bởi nếu để đất khô quá hoặc ướt quá rất khó tạo hình.
Việc tiếp củi vào lò nung cũng rất công phu, đóng vai trò quyết định để ra được lô sản phẩm đẹp, chất lượng. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, sản phẩm sẽ cong, vênh, rạn. Sản phẩm khi còn thô có màu vàng, khi nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.300 độ C, sẽ chuyển sang màu cánh dán, đây chính là màu lý tưởng nhất.
Qua những bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, đất đã chuyển mình thành hình, thành khối, có đường nét như ý và ẩn chứa cả hồn cốt của người thợ Gia Thủy. Chính nét đơn sơ mộc mạc ấy, gốm Gia Thủy được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đến nay, gốm Gia Thủy không chỉ hiện hữu trong nhà là những vật dụng sử dụng trong sinh hoạt của con người như chum, vại mà còn là những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao.
Giám đốc Hợp tác xã gốm Gia Thủy Trịnh Văn Hoàn cho biết, những năm gần đây, nhiều vật dụng bằng nhựa phát triển với giá thành rẻ khiến cho việc tiêu thụ của làng nghề giảm. Tuy nhiên, các nghệ nhân, người dân trong xã không nản chí mà vẫn quyết tâm thắp lửa làng nghề. Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các chủ cơ sở sản xuất gốm đã tìm tòi, mua máy móc, áp dụng khoa học công nghệ làm tăng năng suất gấp 2 đến 3 lần so với làm thủ công như trước, đồng thời cải tiến mẫu mã sản phẩm nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của gốm gia thủy.
Vì vậy, gốm gia thủy vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt khách hàng của các nước như Nhật Bản, Hà Lan cũng rất ưa chuộng hàng gốm và ký kết hợp đồng lâu dài với hợp tác xã. Một số sản phẩm bán chạy được nhiều người ưa chuộng như bình rượu, chum, vại được sản xuất cách điệu và có hoa văn, phong cảnh làng quê Việt Nam tạo nên một nét riêng, vẻ đẹp riêng cho gốm Gia Thủy.
Nhằm phát triển làng gốm, năm 2012 UBND xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 để quy hoạch khu sản xuất gốm tập trung và 9.800m2 khu nguyên liệu để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề. Đến nay, làng nghề có 6 nghệ nhân được công nhận và có gần 30 hộ làm nghề và kinh doanh gốm. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và xuất bán ra thị trường khoảng trên 40.000 sản phẩm, cho doanh thu ước đạt trên 8,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Nghệ nhân Trịnh Đình Dũng, xã Gia Thủy cho biết, gia đình ông có 3 đời theo nghề truyền thống. Gốm Gia Thủy tuy có trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng với tình yêu nghề ông Dũng vẫn quyết tâm giữ lửa. Đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi sản xuất theo hướng khoa học, đầu tư 22 lò sản xuất gốm, cho thu nhập mỗi năm trên 1,6 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 6 lao động. Ngoài ra, để bảo tồn nghề truyền thống, ông còn nhận dạy nghề miễn phí cho các thanh niên trong xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy Đinh Văn Đức cho biết, nghề gốm Gia Thủy là nghề truyền thống không chỉ lưu giữ văn hóa lịch sử của địa phương mà còn góp phần phát triển kinh tế. Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, xã đã khuyến khích lớp trẻ học nghề và phát triển kinh tế tại địa phương. Đầu năm 2016, xã đã kiến nghị với Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình để xin nguồn kinh phí mở các lớp đào tạo, dạy nghề gốm cho thanh niên trong xã nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động kinh tế thị trường, nhưng làng nghề gốm luôn tìm hướng đi phù hợp để duy trì và phát triển theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn.