Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định số 15/QĐ-UBND năm 2018, xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với “Di tích thời đại Đá cũ Rộc Tưng, Gò Đá tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai”. Đây cũng là cơ sở để Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục kiến nghị Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đặc cách công nhận nhóm di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là Di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời hướng tới mục tiêu sớm được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp, UBND thị xã An Khê còn tích cực triển khai các hoạt động phát triển du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, di tích khảo cổ trên địa bàn; tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế lần 2 vào các ngày 29 - 30/3/2019 về thời đại Đá cũ và tham mưu cho tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo và các di tích khảo cổ học tại thị xã An Khê.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, xét về các giá trị khảo cổ học to lớn được phát hiện, các khu di tích lịch sử, khảo cổ học tại vùng đồi gò thung lũng An Khê vẫn chưa được đầu tư xứng tầm, do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có kế hoạch và kêu gọi xã hội hóa, quảng bá sâu rộng tổng thể di tích lịch sử, khảo cổ học nhằm giới thiệu về vùng đất, con người thị xã An Khê đang có”, bà Lịch cho biết thêm.
Trước đó, năm 2014, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, chuyên viên cao cấp Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng nhà nghiên cứu Phan Thanh Toàn đã đến thung lũng An Khê, tỉnh Gia Lai để tiến hành khảo sát. Tại đây, trên địa tầng hố đào của người dân, hai nhà khảo cổ nhận thấy sự bất thường từ những hòn cuội to bị vỡ không theo tự nhiên, có thể là công cụ của con người thời đại đá cũ chế tác, sử dụng. Vị trí phát hiện được xác định trên một thềm sông cổ.
Ngay sau đó, một cuộc họp nhanh chóng được triển khai, Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành một đề tài cấp bộ ngay trong năm để khảo sát mở rộng và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) được mời vào cuộc. Từ năm 2014 đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga đã phát hiện ở vùng đồi gò thung lũng An Khê 23 di tích sơ kỳ đá cũ gồm: 12 địa điểm ở Rộc Tưng (xã Xuân An), địa điểm Gò Đá (phường An Bình), Rộc Hương (phường An Tân), Rộc Giáo (phường Ngô Mây), Rộc Lớn (phường An Phước), Rộc Nếp (xã Cửu An) và khu vực đá nguyên liệu ở Núi Đất (xã Cửu An).
Kết quả nghiên cứu sau 4 đợt khai quật cho thấy, vết tích hoạt động của cư dân nguyên thủy còn để lại trong tầng văn hóa ở An Khê được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Tầng văn hóa đều là đất phong hóa từ đá granite tại chỗ, đã bị laterit, có tuổi Cánh tân (Pleistocene). Bên cạnh những công cụ đồ đá, mảnh vỡ từ đá cuội nằm trong tầng văn hóa do con người cổ xưa chế tạo và sử dụng bỏ lại thì có vô số các mẫu tectit (thiên thạch) rơi từ ngoài hành tinh vào trái đất được phát hiện ngay tại các hố đào.
Từ những kết quả nghiên cứu, phát hiện khai quật cùng các cuộc hội thảo Quốc tế, kết quả định tuổi mẫu vật, các nhà khảo cổ học Việt - Nga đã đủ cơ sở khẳng định các di tích khảo cổ ở An Khê có niên đại thuộc sơ kỳ đá cũ, cách ngày nay khoảng 800.000 năm.