Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của di tích, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, không gian cảnh quan, môi trường xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị cảnh quan thiên nhiên gắn với danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh; các yếu tố về đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích; các di tích, công trình, địa điểm du lịch và di sản văn hóa trong khu vực có mối liên hệ để kết nối, phát triển du lịch là các đối tượng của việc nghiên cứu lập quy hoạch.
Theo đó, mục tiêu chính của việc lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của Thành phố Đà Nẵng, điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”. Đồng thời, việc lập quy hoạch làm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị đặc trưng, hệ sinh thái nguyên gốc của di tích.
Bên cạnh đó, quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch nhằm định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật của khu vực di tích; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.
Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch cần xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát; đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội và các nguồn lực phát triển khác trên địa bàn.
Cụ thể, nhiệm vụ lập quy hoạch cần khảo sát, đánh giá hiện trạng, đặc điểm, giá trị di tích; vai trò của di tích trong mối liên hệ vùng; tình trạng kỹ thuật, quản lý sử dụng và phát huy giá trị di tích; nghiên cứu, đánh giá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương (sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán…).
Bên cạnh đó, quyết định đưa ra nội dung đánh giá tổng thể hiện trạng phân khu chức năng của khu danh lam thắng cảnh, tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các điểm di tích, các dự án có liên quan, các dự án hỗ trợ phát huy giá trị di tích trong vùng nghiên cứu từ các nguồn vốn đầu tư khác nhau trong giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch; đánh giá kết quả, hiệu quả đầu tư các dự án, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm cơ sở đề xuất các giải pháp quy hoạch.
Ngoài ra, việc lập quy hoạch nhằm một số nội dung khác như: đánh giá mối liên hệ giữa bảo tồn di tích, di sản văn hóa phi vật thể và phát triển du lịch tại khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở đánh giá thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, sự phù hợp với các quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan…; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nhận diện các yếu tố cấu thành di sản và các mặt giá trị; xác định giá trị, tiềm năng khai thác di tích trong hành trình Con đường di sản miền Trung.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 16/4/2020.