Những hướng đi mới
Nghề làm gốm giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có nghệ nhân lành nghề tuổi cao, sức yếu, người sống được bằng nghề gốm không nhiều, thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề. Quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và nguồn nguyên liệu làm gốm. Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, sản phẩm thiếu sự đa dạng cũng khiến nghề gốm đứng trước nhiều khó khăn.
Để cạnh tranh, tồn tại, khi người tiêu dùng có yêu cầu thẩm mỹ cao, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất ở làng gốm Bàu Trúc đã phải tìm hướng đổi mới và phát triển, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. "Với suy nghĩ phát triển dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ nét đặc sắc riêng, đồng thời nâng tính ứng dụng, các nghệ nhân đã nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới kết hợp các yếu tố văn hóa để cải tiến kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Phú Hữu Minh Thuần chia sẻ thêm.
Anh Đàng Năng Tự, một thợ gốm lành nghề ở làng Bàu Trúc cho hay, để mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho sản phẩm làng nghề, các nghệ nhân không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hoa văn đẹp mắt, nhất là hoa văn cổ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng đương đại. Đồng thời, các nghệ nhân lành nghề tập trung nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho các thành viên trong làng; đẩy mạnh thiết kế sản xuất dòng gốm mỹ nghệ với mẫu mã và hoa văn trang trí độc đáo, phong phú, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường.
Đến nay, cùng với cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, hiện nay làng Bàu Trúc đã và đang phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước… phục vụ trang trí nội, ngoại thất cho các gia đình, khách sạn, khu resort trên toàn quốc. Gốm Bàu Trúc hiện có hàng nghìn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Đến làng gốm Bàu Trúc, du khách được xem các nghệ nhân biểu diễn, tạo hình gốm với bàn tay điêu luyện, những thao tác kỹ thuật thật đẹp mắt. Đặc biệt, du khách có thể tự tay làm cho mình những sản phẩm gốm đơn giản, tự vẽ hoa văn và thử nung trên lửa... để trải nghiệm cảm giác thú vị như một nghệ nhân làm gốm thực thụ.
Hiện nay, ngoài bán tại chỗ cho khách du lịch, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm ở làng Bàu Trúc còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội; tiếp nhận đơn đặt hàng online và gửi sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành phố, kể cả ra nước ngoài khi khách hàng có nhu cầu.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề gốm ở Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một, nhưng nay đã khởi sắc với nhiều tín hiệu đáng mừng. Sản phẩm phát triển đa dạng hơn nhưng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm vẫn được lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm. Đây chính là yếu tố quan trọng để người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo ra cơ hội để phát triển du lịch, biến văn hóa trở thành tài sản.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để giữ gìn và phát triển nghề làm gốm của người Chăm, cần có giải pháp đồng bộ. Trước mắt, tỉnh tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gốm, vì đây là vấn đề cấp thiết, đồng thời có những chính sách hỗ trợ các nghệ nhân đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, lưu truyền nghề làm gốm. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu để sản phẩm gốm Chăm làng Bàu Trúc xuất khẩu đến được nhiều nước trên thế giới.
Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, người Chăm ở làng Bàu Trúc vẫn giữ gìn nguyên vẹn nghề truyền thống với những kỹ năng, bí quyết nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng Bàu Trúc được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước xem như là một bảo tàng gốm Chăm. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm nói chung và làng gốm Bàu Trúc nói riêng luôn được địa phương quan tâm đặt lên hàng đầu. Huyện Ninh Phước sẽ tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc giai đoạn từ nay đến năm 2030, tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng phát triển du lịch để nâng cao đời sống cho người dân.
Hiện nay, không chỉ đổi mới sản xuất, làng gốm Bàu Trúc còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Làng hiện có 1 hợp tác xã, 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm, kết hợp với phát triển du lịch. Các cơ sở được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn, đào tạo đón tiếp khách du lịch, tiếp thị sản phẩm.
Hiện nay, những người có trách nhiệm của làng gốm Bàu Trúc hy vọng bằng cách kết hợp kỹ thuật làm gốm cổ truyền với không ngừng đổi mới, sáng tạo, chính quyền địa phương sẽ cùng với người dân tiếp tục phát triển du lịch làng nghề để du khách gần xa biết đến danh tiếng và tìm về Bàu Trúc ngày một nhiều hơn. Làm được như vậy, vừa tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, vừa tăng thu nhập cho các hộ làm nghề, để người Chăm có thêm động lực gắn bó, bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống một cách bền vững, hiệu quả.