Trong chiến lược phát triển vùng Tây Bắc cũng như tiểu vùng, điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là rất cần thiết.
Tây Bắc là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa. Là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Đây cũng là vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc rất đặc trưng, có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú; quê hương của những điệu xòe; miền đất dịu ngọt của những điệu hát then, hát lượn gắn với các lễ hội truyền thống.
Mai một bản sắc văn hóa
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai, các tỉnh Tây Bắc có hơn 30 dân tộc thuộc 6 nhóm ngôn ngữ khác nhau. Mỗi dân tộc có đặc trưng văn hóa tộc người riêng, mỗi tộc người lại có nhiều ngành nhóm địa phương như: Người Dao có 7 ngành, người Mông 5 ngành, người Tày có các nhóm địa phương như Thu Lao, Pa Dí... Các dân tộc Tây Bắc đã tạo ra sự đa dạng văn hóa trong bức tranh văn hóa tộc người.
Bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của vùng Tây Bắc. Ảnh: Viết Tôn |
Miền núi phía bắc hiện nay có tình trạng bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều tộc người bị mai một nghiêm trọng. Các dân tộc ít người nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me như: Kháng, Mảng, Khơ Mú… đang có nguy cơ bị “Thái hóa”. Các dân tộc ở vùng biên giới với Trung Quốc lại có nguy cơ bị “Hán hóa”, “Choang hóa”… Còn các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông lại có nguy cơ “Kinh hóa”. Người Hà Nhì ở Ý Tý (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) bỏ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục của người Hà Nhì - Trung Quốc sản xuất bằng vải công nghiệp. Tương tự như vậy, người Mông ở biên giới phía bắc cũng bỏ trang phục sản xuất thủ công để mua trang phục mà nguyên liệu được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp của Trung Quốc. Sự mai một về bản sắc văn hóa tộc người còn phản ánh ở số nghệ nhân giỏi về âm nhạc truyền thống đã mất đi, lớp trẻ rất ít biết sử dụng nhạc cụ của cha ông để lại, nhiều thanh niên không thuộc một bài, một làn điệu dân ca.
Các giá trị văn hóa Việt Nam biến đổi có đan xen cả mặt tốt, mặt xấu, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. Do đó việc tìm ra hệ giá trị văn hóa Việt Nam, cấu trúc, phân loại hệ giá trị văn hóa; sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam, bảo tồn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội; những giải pháp để phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam..., là rất cần thiết, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII. |
Nguyên nhân đầu tiên của sự mai một văn hóa truyền thống trong các tộc người, là tác động của xu hướng toàn cầu hóa, xu hướng giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Nguyên nhân khác quan trọng là do một bộ phận giới trẻ thiếu tự tin, thiếu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ quan niệm, mình nói tiếng dân tộc thiểu số, mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình là lạc hậu. Thậm chí, có người còn muốn “Kinh hóa”, chỉ đến khi muốn nhận các chế độ ưu đãi về học tập, việc làm thì mới tự nhận mình là dân tộc thiểu số.
TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, văn hóa là toàn bộ ứng xử của cộng đồng tộc người với tự nhiên và xã hội và tạo ra bản sắc riêng của từng dân tộc, làm nên bề dày truyền thống. Mai một bản sắc văn hóa dẫn đến đứt gẫy truyền thống, thậm chí mất bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa cũng tạo ra nhiều giá trị tích cực giúp cho tộc người đứng vững ở môi trường khó khăn, thích ứng với cuộc sống. Mất bản sắc văn hóa tộc người cũng đồng nghĩa với việc mất lợi thế của tộc người trong quá trình phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, bên cạnh xu hướng “phẳng” là xóa bỏ bản sắc văn hóa thì lại có một xu hướng khác trỗi dậy là nêu cao bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa như một tiêu chí, một danh hiệu, một giá trị để hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm lịch sử nước ta cũng như lịch sử thế giới khi đã mất bản sắc văn hóa là đánh mất dân tộc.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến
Trong những năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc đã bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua tạo dựng, bồi đắp và gìn giữ hệ giá trị văn hóa. Từ nền tảng truyền thống, những giá trị văn hóa cổ truyền đã được bảo tồn và phát huy cho đến nay.
TS. Trần Hữu Sơn cho rằng để “cứu vãn” được tình trạng “đứt gẫy” truyền thống, trước tiên phải tôn trọng tính đa dạng văn hóa các tộc người. Có tôn trọng thì mới có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người, nhất là các dân tộc có số dân ít. Những người làm công tác quản lý các cấp đều phải tôn trọng tri thức bản địa của người dân. Ở miền núi, đồng bào các dân tộc muốn xóa đói giảm nghèo, muốn làm giàu không chỉ nhập giống mới, trồng cây con mới mà còn chú trọng phát triển các loài cây đặc sản hàng nghìn năm đã từng thích nghi với vùng cao trở thành hàng hóa. Bài học từ phát triển gạo séng cù ở Lào Cai, gạo nếp tan ở Mường Lò, Yên Bái hay các dược liệu quý ở Sa Pa, Sìn Hồ… đều chứng minh cho việc làm giàu từ đặc sản.
“Việc xây dựng chính sách phải có sự nghiên cứu sâu về tính đặc thù ở miền núi, tính đặc thù của mỗi tộc người khác nhau. Chỉ có như thế, các chính sách mới thực sự mang lại hiệu quả. Nếu không, nó chỉ là những chính sách suông mà thôi. Tôi muốn nhấn mạnh đến tri thức dân gian đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong vấn đề xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tri thức dân gian gần như là một công cụ để vận dụng và thực thi chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở nông thôn...”, TS. Trần Hữu Sơn khẳng định.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" chỉ ra 5 giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc là: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, để tiếp tục làm tốt việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mang bản sắc địa phương, chống sự xâm nhập của các yếu tố gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa vào Nghị quyết các cấp ủy Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của chính quyền.
Xây dựng các quy chế phối hợp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác gắn với lĩnh vực văn hóa - xã hội. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng sẽ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các công trình văn hóa trọng điểm; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở; phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nâng cao khát vọng vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí...
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên. Người dân tin tưởng vào đường lối nhất quán của Đảng, tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, nâng tầm văn hóa Việt Nam trong các hoạt động kinh tế, xã hội và dần loại bỏ những lạc hậu, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trong 15 năm thực hiện, vẫn còn nhiều khuyết điểm tồn tại được chỉ ra khi thực hiện, đặc biệt có nhiều công trình văn hóa lịch sử khi trùng tu đã vi phạm luật bảo tồn, làm sai lệch thực tế lịch sử...
Kim Anh - Thái Bình