Bảo vệ nguồn di sản văn hóa Hà Nội

Toàn bộ thành phố Hà Nội hiện có 5.175 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cách mạng; trong đó có 2.119 di tích đã được xếp hạng, gồm các di tích được UNESCO công nhận, di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp thành phố... Sự phong phú về số lượng và loại hình đã góp phần tăng thêm nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến; nhưng đồng thời cũng tăng thêm trọng trách cho ngành văn hóa Thủ đô.


Thiếu kinh phí


Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành địa phương có nhiều di tích nhất cả nước. Mật độ di tích trải dài trên khắp các quận, huyện. Nhiều di tích gắn với các sự kiện quan trọng, các danh nhân của đất nước. Có nhiều di tích lâu năm, thậm chí có tới hàng ngàn năm lịch sử.


Khách du lịch tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.


Phong phú và đa dạng về di tích là "lợi thế" của Hà Nội, nhưng lại cũng là khó khăn cho Hà Nội trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Đặc biệt trong điều kiện thiếu thốn về kinh phí như hiện nay.


Theo đại diện Sở VH,TT&DL Hà Nội, từ năm 2010 đến 2012, thành phố đã tu bổ, tôn tạo 675 di tích các loại, với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa chiếm hơn 30%. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 600 di tích xuống cấp nghiêm trọng, hiện chưa được đầu tư vì... thiếu kinh phí. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, cho biết: “Mỗi di tích trùng tu cần khoảng 10 tỷ đồng tu bổ, như vậy hiện nay Hà Nội cần khoảng 6.000 tỷ đồng để giải quyết tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích. Đây là một nguồn kinh phí không nhỏ”.


HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua “Quy chế huy động tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào việc tu bổ, quản lý, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, xây dựng vườn hoa, công viên” theo Luật Thủ đô, nhằm tạo nguồn kinh phí xã hội hóa cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. “Vấn đề còn lại là thủ tục hành chính xét duyệt, cho phép tu bổ, tôn tạo ra sao với nhiều cấp, nhiều ngành liên quan. Nhất là gần đây vấn đề xin trả lại di tích của làng cổ Đường Lâm, đơn kêu cứu của chùa Một Cột là ví dụ điển hình”, một chuyên gia về văn hóa nhận xét.


“Con đường gian nan”


Lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội thừa nhận, để có kinh phí trùng tu, tôn tạo đã khó, nhưng làm như thế nào để trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo tồn yếu tố gốc, lại khó hơn nhiều lần. Quả thật, nhìn vào các hiện tượng sai phạm ở chùa Trăm Gian, việc phát huy giá trị di sản ở làng cổ Đường Lâm… mọi người đều nhận thấy sự bất cập trong quản lý di sản, sự tắc trách của một bộ phận trong cơ quản quản lý lĩnh vực này tại Hà Nội. Khi công luận lên tiếng, các nơi mới tìm biện pháp "chữa cháy".

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn (2013 - 2015), thành phố dự kiến đầu tư tu bổ, tôn tạo và hỗ trợ chống xuống cấp di tích nhằm ngăn chặn nguy cơ các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng hay xóa sổ. Ngoài ra, UBND các quận, huyện sở hữu di tích cũng sẽ chủ động huy động nguồn ngân sách xã hội hóa, hỗ trợ Nhà nước trong quá trình tôn tạo, tu bổ di tích.


Hiện Sở VH,TT&DL Hà Nội đang tiến hành tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố để có những đánh giá tổng thể và cắm mốc giới, định vị lại. Song song với kiểm kê di tích, Sở đang tiến hành lập quy hoạch khảo cổ trên địa bàn Hà Nội nhằm hạn chế tình trạng khai quật chữa cháy như thời gian vừa qua. Đồng thời, Hà Nội tiến tới hoàn thiện "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Thành Cổ Loa". Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: "Thành phố đang tập trung cho Quy hoạch chung Thủ đô, trong đó quan tâm đến quy hoạch của các di sản như Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa, để giá trị lịch sử không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy hiệu quả".


Bằng nhiều biện pháp kịp thời, Hà Nội hy vọng sẽ làm tốt công tác bảo tồn nguồn di sản quý giá của Thủ đô, phát huy các giá trị di sản trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội ngàn năm văn hiến.



Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN