Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên của tỉnh Nam Định ra đời với mục đích chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sau gần 5 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên và cộng đồng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ và phát huy giá trị đặc sắc của di sản; đồng thời tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của di sản bằng các hình thức như: thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, xuất bản ấn phẩm, nói chuyện chuyên đề, triển lãm, vận động hội viên và cộng đồng chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, hỗ trợ chuyên môn, đấu tranh phê phán các hành vi xuyên tạc, lợi dụng di sản để trục lợi, Hội có nhiệm vụ đề xuất với chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản, các chế độ chính sách tôn vinh, khen thưởng nghệ nhân, người có công trong việc bảo vệ và phát huy di sản tín ngưỡng “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Ngay sau khi thành lập, Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2023, bầu Ban Chấp hành gồm 16 thành viên.
Tháng 12 năm 2016, UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Nam Định đại diện các địa phương có di sản này đã chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đón bằng UNESCO vinh danh di sản này tại Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản). Tỉnh Nam Định hiện có gần 400 điểm thờ Thánh Mẫu phân bố ở 10 huyện, thành phố của tỉnh.