Đây là niềm tự hào song cũng đặt ra yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị các Bảo vật quốc gia, nhất là khi các di tích chưa được đầu tư tốt về nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất.
Cần có phương án bảo vệ hiệu quả
Bảo vật quốc gia tại Hà Nội hiện được lưu giữ tại các bảo tàng, di tích đình, chùa, miếu và được coi là một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội. Có thể kể tới Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với 82 tấm bia tiến sỹ triều Lê - Mạc (1442-1779); đền Trấn Vũ, quận Long Biên, lưu giữ tượng Trấn Vũ (thời Lê Trung Hưng); chùa Thánh Ân, huyện Gia Lâm, với tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (niên đại thế kỷ XVI); chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất lưu giữ 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII); chùa Đậu, huyện Thường Tín, còn lưu giữ và thờ phụng hai tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (đây là hai trường hợp hiếm có trong lịch sử, phản ánh phong tục và trình độ kỹ thuật ướp xác giữa thế kỷ XVII)…
Bảo tàng Hà Nội là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày 4 nhóm Bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng trong trống; quả chuông Thanh Mai đúc vào năm 798, là một trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006; cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tác giả Đặng Huyền Thông - người làm gốm tài hoa tiêu biểu ở thời Mạc; tòa long đình gốm Bát Tràng - một sản phẩm gốm thờ độc đáo của làng gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.
Sau khi các hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, niềm vui của người dân địa phương và những người quản lý di tích nhân lên, song công tác bảo vệ, gìn giữ các Bảo vật quốc gia tại nhiều nơi cũng đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm. Đa phần việc bảo quản không thay đổi so với trước, sự quan tâm chưa đúng mức. Có thể kể đến bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), là bộ tượng Di Đà Tam Tôn sớm nhất được biết ở Việt Nam, đạt đến những chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ XVII. Nhưng từ khi được công nhận là Bảo vật quốc gia, bộ tượng này vẫn chưa có hình thức bảo quản riêng. Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai cho biết, việc bảo quản vẫn thực hiện chung trong tổng thể của chùa Thầy, bởi chùa Thầy cũng là di tích quốc gia đặc biệt.
Hay như pho tượng Trấn Vũ tại đền Quán Thánh (quận Ba Đình) còn gọi là tượng Huyền Thiên đại đế - vị thần chủ linh thiêng của Kinh thành Thăng Long xưa, là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị độc đáo, như một trường hợp “cá biệt” trong dòng chảy nghệ thuật tạo tượng giai đoạn thế kỷ XVII- XVIII. Từ trước khi được công nhận Bảo vật quốc gia, người dân thường có thói quen xoa chân pho tượng lấy may khi đến lễ, làm cho hai chân tượng sáng bóng. Sau khi đã được công nhận, người dân vẫn tiếp tục đến xoa chân tượng, ảnh hưởng nhiều đến công tác bảo quản. Ba năm nay, Ban quản lý di tích đền Quán Thánh có đặt biển thông báo người dân không xoa vào chân tượng nhưng tình trạng này không giảm. Ông Bùi Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Quán Thánh cho biết, Dự án trùng tu đền Quán Thánh đã được xây dựng từ nhiều năm qua, trong đó có hạng mục ngăn cách khu vực hành lễ với pho tượng rộng khoảng 1 mét, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thực hiện được.
Ngoài nhóm hiện vật ở Bảo tàng Hà Nội được bảo quản tương đối tốt, số còn lại đang lưu giữ ở các di tích đang đối mặt với những thách thức trong công tác bảo quản. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, các Bảo vật quốc gia đang hàng ngày chịu tác động của khí hậu, ý thức của người dân… Hơn lúc nào hết, các Bảo vật quốc gia cần được sự quan tâm của các địa phương, các cơ quan hữu quan.
Phát huy giá trị Bảo vật quốc gia
Giá trị bảo vật quốc gia ngày càng được khẳng định khi có nhiều người biết tới, nhưng chủ yếu vẫn gói gọn trong cộng đồng địa phương mà chưa lan tỏa rộng rãi. Có chăng, khi khách đến tham quan, những người quản lý di tích sẽ giới thiệu bảo vật này, nhưng số lượng người biết tới cũng không nhiều, bởi hầu hết các di tích lưu giữ Bảo vật quốc gia đều không phải là điểm đến tham quan trọng điểm của Hà Nội. Trong khi đó, những người quản lý di tích cũng như chính quyền địa phương chưa xây dựng được chương trình bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia. Nhiều nơi còn không có cả biển giới thiệu Bảo vật quốc gia để khách nhận biết. Hiện nay, chỉ có Bảo tàng Hà Nội thực hiện công tác phát huy giá trị Bảo vật quốc gia tương đối hiệu quả. Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đơn vị này thường trưng bày Bảo vật quốc gia trong các cuộc triển lãm chuyên đề. Thời gian trưng bày có thể kéo dài tới vài tháng để nhiều du khách có cơ hội thưởng lãm, tìm hiểu về Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại đây.
Để việc phát huy giá trị Bảo vật quốc gia tại các di tích một cách hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, bên cạnh chế độ bảo quản đặc biệt Bảo vật quốc gia, các địa phương cần có kế hoạch lâu dài để phát huy giá trị. Ngành văn hóa Hà Nội cần đề xuất thành phố có những quy định cụ thể về cơ chế, kinh phí dành riêng cho việc bảo quản, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ngành Văn hóa đã yêu cầu các địa phương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án bảo vệ cũng như ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm Bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Đồng thời, ngành Văn hóa xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị gắn với tuyên truyền bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cuốn sách “Bảo vật Quốc gia Thăng Long - Hà Nội” ra mắt đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2017 được coi là một ấn phẩm ý nghĩa góp phần làm rõ những giá trị và kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di tích - lịch sử - văn hóa - cách mạng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Tuy vậy, để công tác bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia đạt hiệu quả, cần có sự chung sức đồng lòng, những hành động cụ thể, thiết thực hơn của cả cộng đồng, chính quyền địa phương, cũng như ngành Văn hóa Hà Nội.