Đây là một trong những triển lãm nghệ thuật quốc tế hàng đầu thế giới. Biennale Arte 2024 tập trung phản ánh mối quan hệ giữa con người với hành tinh mỏng manh này, từ dải băng Greenland đến nạn phá rừng ở Amazon.
Biennale Arte 2024 sẽ kéo dài đến ngày 24/11 tới. Triển lãm trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Đan Mạch, Brazil và CH Séc.
Tại khu vực triển lãm của Nhật Bản, các tác phẩm của nghệ sĩ Yuko Mohri gửi tới người xem những nỗ lực của con người nhằm hạn chế tình trạng rò rỉ nước ở các ga tàu điện ngầm tại Tokyo, mà nguyên nhân là do thường xuyên xảy ra lũ lụt và động đất. Để đề cao phát minh của con người, nghệ sĩ Mohri đã trưng bày cả những đồ vật được dùng để chứa nước nhưng không hiệu quả như chai nhựa và xô. Nhấn mạnh tới đe dọa khí hậu, nghệ sĩ cũng đã thu thập đồ vật từ các “chợ trời” ở Venice, nơi cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng lũ lụt. Nghệ sĩ Mohri muốn thể hiện sự sáng tạo của con người thực sự có thể mang lại một số hy vọng và giải pháp như thế nào.
Trong khi đó, đến với khu vực trưng bày của Đan Mạch, khách tham quan có cơ hội ngắm nhìn các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Inuuteq Storch với 6 bộ ảnh, trong đó có bộ ảnh "Soon Will Summer Be Over" (tạm dịch “Chẳng bao lâu nữa mùa hè sẽ qua”) phản ánh tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và truyền thống đi săn hay đánh cá của người bản địa Inuit tại Greenland ở cực Bắc xa xôi. Người xem có thể tìm hiểu những khung cảnh đời thường của vùng đất xa xôi, nơi Mặt Trời không bao giờ lặn vào mùa hè. Các bức ảnh màu và đen trắng về mặt đất, bầu trời và dải băng đã giúp khách tham quan trải nghiệm chu kỳ theo mùa nhằm nhắc nhở về tính dễ bị tổn thương của các vùng cực. Nhà sử học nghệ thuật đồng thời là người phụ trách gian hàng Louise Wolthers cho biết nhiếp ảnh gia Storch đã nói rằng các thợ săn không thể thực hiện nhiều phương pháp săn bắn truyền thống nữa vì tác động của biến đổi khí hậu và băng tan cũng như các điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn.
Tại lối vào khu triển lãm của Brazil, nghệ sĩ và nhà hoạt động bản địa Olinda Tupinamba đã tạo hình rễ cây và hạt giống phát triển từ một ngọn núi hùng vĩ gợi lên những dạng thức sống khác nhau: tĩnh mạch người, nhựa cây và những dòng sông tại Brazil nhìn từ trên cao. Một chiếc TV cũ chiếu cảnh một người phụ nữ nói: “Bạn đã không rút ra bài học từ những sai lầm của mình và những khu rừng tiếp tục bị phá hủy để phục vụ những kẻ vô lương tâm”. Nghệ sĩ Tupinamba cho biết bà muốn thiết lập mối liên hệ giữa con người với con người để nói về tầm quan trọng của môi trường, suy nghĩ về vấn đề này ở cấp độ toàn cầu.
Trong khi đó, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ đến từ CH Séc mang tên "The heart of a giraffe in captivity weighs 12 kilos less" (tạm dịch “Trái tim của con hươu cao cổ bị nuôi nhốt nhẹ hơn 12 kg”), phản ánh số phận bi thảm của Lenka, bị bắt ở Kenya năm 1954 và được đưa đến Vườn thú Praha, nơi con vật chỉ sống được 2 năm. Với tác phẩm này, nghệ sĩ Eva Kotatkova muốn dựng lại bộ xương của con hươu cao cổ để thu hút sự chú ý của khách tham quan đến mối quan hệ của con người với thiên nhiên và những ảnh hưởng nghiêm trọng của bạo lực đối với các loài động vật.